Lịch sử hoằng pháp của Phật giáo cho thấy sau khi đức Phật tịch diệt, trên đường hoằng pháp, những sứ giả Như Lai không thể không thích nghi với phong tục, tập quán cũng như nhu cầu thiết thực của cộng đồng, nếu muốn đạo Phật tồn tại và phát triển nơi vùng đất mới.
Thuở bình minh lịch sử nhân loại, khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, với những bất trắc trong đời sống, thì con người nghĩ tới việc cầu cúng để tâm được bình an, sống tiếp quãng đời còn lại, và hy vọng vào lớp con cháu sẽ có cuộc sống tốt hơn… Ngày tháng đi qua, những việc làm ấy từng bước có bài bản, hình thành nên niềm tin và phản ánh ước nguyện của cộng đồng, ngày nay gọi là tín ngưỡng dân gian. Sự cầu cúng có bài bản ấy gọi là nghi lễ, bởi theo Từ điển Tiếng Việt, nghi lễ còn gọi là lễ nghi, nghĩa là “Các nghi thức của một cuộc lễ (nói tổng quát) và trật tự tiến hành”1.
Đến một lúc, nhân loại có những thức giả ra đời, họ hình thành nên “một số thế lực siêu việt tạo ra các chuẩn mực và sức mạnh cho phần còn lại của cuộc đời”2, gọi là tôn giáo hay đạo. Theo Macionis John J., thì “ít nhất cách đây 40.000 năm, tổ tiên con người đã có niềm tin tôn giáo và tham gia các nghi lễ tôn giáo”3. Nhưng theo tôi, tôn giáo có sau tín ngưỡng dân gian, vì thế bất kỳ tôn giáo nào hình thành cũng phải tựa vào tín ngưỡng dân gian để tồn tại và phát triển. Khi tín ngưỡng dân gian có tổ chức, có nghi lễ chặt chẽ, có giáo lý, có kinh sách… tạo nên một hệ thống văn hóa của các hành vi và thực hành được chỉ định, thì trở thành tôn giáo và cũng tạo nên tín ngưỡng tôn giáo, rồi theo thời gian mới hình thành niềm tin tôn giáo.
Ở đâu, tôi chưa tường, nhưng với dân tộc ta thì kể từ thời trống đồng xuất hiện trở về trước, chắc chắn chưa có tôn giáo. Nhìn qua trống đồng, chúng ta dễ dàng nhận ra mặt trống chính giữa được đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi, chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công. Họa tiết hoa văn trang trí trên mặt trống đồng rất phong phú và đặc sắc mô phỏng cuộc sống sinh hoạt của cư dân người Việt cổ. Hình người và động vật đi quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trong đó là các nhóm gồm người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong, hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn bay và chim mỏ dài đứng… Phải chăng những hình ảnh này đã mô tả lại người Việt cổ thực hành nghi lễ nào đó? Tôi tin như thế!
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tiếng trống đồng đối với người Việt cổ là âm thanh của trời (tiếng sấm), còn mặt trống tượng trưng cho mặt trời. Tiếng trống sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Như thế, chỉ cần tiếng trống cho thấy việc thực hành nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian của ông cha ta rất đáng trân trọng và đáng quý. Thời nhà Lý, trống đồng được phong thần (thần Đồng Cổ), được cúng tế và thời nhà Trần cũng tiếp tục lệ này.
Khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, những sứ giả Như Lai không thể bỏ qua những nghi lễ, tập tục dân gian có từ bao đời qua. Như chúng ta đã biết từ ngày xưa, ở Ấn Độ, đạo Bà la môn coi nghi lễ tế tự là hàng đầu và chỉ có tu sĩ Bà la môn giáo mới thực hành được, mới có ý nghĩa. Chỉ có họ thông qua nghi lễ mới có thể tiếp xúc được thần linh, cũng như câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ được Phật tử Việt Nam ghi nhớ dù có thần thông, một mình Mục Kiền Liên không thể giải cứu nghiệp lực cho mẹ mà phải chờ tới rằm tháng bảy – ngày chư tăng mãn hạ, thiết lễ Vu Lan, nhờ sức chư tăng cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát khỏi được cảnh địa ngục.
Nhiều tài liệu cho biết thời còn tại thế, đức Phật là người đả kích kịch liệt vào thành trì nghi lễ của đạo Bà la môn. Trong kinh Kim Cang, tôi thấy có ghi lại bài kệ của đức Phật: “Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhơn hành tà đạo/ Bất năng kiến Như Lai” (Nếu dùng sắc để thấy ta/ Dùng âm thanh để cầu ta/ Ấy là người tà đạo/ Không thể thấy Như Lai). Bài kệ của Ngài, người phàm hiểu cách của người phàm, người tu hành hiểu theo cách của người tu hành, nên không thể cho người phàm ngu muội, xuyên tạc lời Phật dạy, hay hiểu theo những bậc chân tu là tuyệt đối đúng, bởi như chúng ta đã biết văn minh Ấn Độ mang đậm tín ngưỡng tôn giáo và triết học siêu hình. Cái tồn tại có thật là thế giới siêu việt bên kia, siêu việt ngoài các giác quan, tai nghe, mắt thấy, ngoài cả suy niệm bất khả tư nghì, tư tưởng không thể vươn đến, ngôn ngữ không thể diễn tả. Nền triết lý của đạo Phật không phải dễ hiểu nên đối với quần chúng bình dân, kể cả không ít trí thức, khó thâm nhập. Nhưng thông qua nghi lễ, đạo lý cao siêu được họ cảm nhận bằng trái tim hơn là bằng trí óc.
Trong thiền học có một câu chuyện về kinh Kim Cang, về một bà già bán nước dưới chân chùa. Bấy giờ Đức Sơn là người đã từng giảng kinh Kim Cang rất nhiều lần, muốn tìm đến các thiền sư để luận đạo. Trên đường đi, ông ghé vào quán nước. Bà già bán nước thấy ông có mang một đãy kinh, hỏi: “Thầy mang kinh gì thế?”. Ông nói: “Kinh Kim Cang! Tôi trì kinh Kim Cang, giảng kinh Kim Cang mấy chục năm nay rồi”. Bà hỏi: “Thầy cần gì?”. Ông nói: “Tôi muốn điểm tâm”. Bà lão nói: “Kinh Kim Cang, Phật có nói, quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Thầy muốn điểm cái tâm nào?”. Tức là tâm quá khứ, chúng ta không bắt được nó. Tâm hiện tại, ta không bắt được và tâm vị lai ta cũng không bắt được. Ba cái tâm này vốn không thể nắm bắt, vậy điểm cái tâm nào? Qua câu chuyện này, cho thấy phàm nhân chưa hẳn đã ngu muội, và người bỏ ra mấy chục năm trì kinh, giảng kinh Phật chưa hẳn đã thông thái.
Do vậy, hiểu lời Phật dạy để áp dụng vào cuộc vui trần thế là do tâm của mỗi người. Đây là trách nhiệm của những sứ giả Như Lai. Và để dẫn mọi người đến với giáo lý Phật đã không gì hay hơn là thông qua nghi lễ.
Điều này càng đúng, lịch sử hoằng pháp của Phật giáo cho thấy sau khi đức Phật tịch diệt, trên đường hoằng pháp, những sứ giả Như Lai không thể không thích nghi với phong tục, tập quán cũng như nhu cầu thiết thực của cộng đồng, nếu muốn đạo Phật tồn tại và phát triển nơi vùng đất mới.
Trong ký sự Mười lăm ngày ở Nhật của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, có chi tiết liên quan đến việc này. Lúc đến thăm Trường Đại học Komazawa của phái Thiền tông, Mai Thọ Truyền mới biết nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn dạy võ và ngồi thiền. Thiền định là một môn học như những môn học khác của chương trình đào tạo. Qua đây, Mai Thọ Truyền biết thêm: “Thiền tông của Nhật là do các Thiền sư của phái Thiếu Lâm tự ở Trung Hoa truyền sang. Để cảm hóa dân tộc Phù Tang là một dân tộc có tinh thần thượng võ và rất trung thành với Thần đạo, các vị Thiền sư Trung Hoa, trong lúc đầu, không đem Phật giáo ra giảng mà đem môn võ Thiếu Lâm ra truyền. Về sau, khi chinh phục được lòng môn sinh, các ngài mới lần lượt đưa thêm họ vào cửa Thiền. Chừng họ nhận được chân tinh thần của pháp môn này, họ hết sức hoan nghinh vì Thiền tông không làm lụn bại khí phách của dân tộc họ, trái lại còn giúp cho khí phách ấy nảy nở, phát đạt. Do đấy mà hạng thượng lưu Nhật cho rằng không thể bàn đến nền văn hóa của Phù Tang mà không đề cập đến Thiền tông…”4. Các tông phái Phật giáo đến Việt Nam cũng không thể làm khác hơn. Đây gọi là tùy duyên hóa độ.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam có những nét tương đồng với Đạo giáo, nên không phải vô cớ mà sau khi giành được độc lập, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi năm 968, đến năm 971 “Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”5.
Lịch sử Việt Nam ghi rõ Lý Công Uẩn là Phật tử thuần thành và được Phật giáo ủng hộ lên làm vua, mở ra triều đại nhà Lý. Ông làm nhiều Phật sự, như tháng 5 (1014), “Hữu nhai tăng thống là Thẩm Văn Uyển tâu xin lập đàn chay ở chùa Vạn Tuế để cho tăng đồ thụ giới. Vua chuẩn tâu”6, hoặc tháng 3 (1016), “Độ cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế”7, hoặc tháng 6 (1018), “sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng”8, hoặc tháng 9 (1024), “làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh”9… Thế nhưng, Lý Thái Tổ vẫn quan tâm đến nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian, như tháng 3 (1016), “Làm lễ tế vong các danh sơn”10, hoặc “Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế”11, hoặc năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tổ “Phong tước cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4”12…
Đến đời Lý Nhân Tông, “tháng 2 (1075), xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”13. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử ở nước ta. Và vào thời điểm này, Nho, Phật, Đạo đồng nguyên. Đến thời nhà Trần, đạo Phật vẫn được vua, quan cho đến thứ dân tôn kính quy về, thậm chí từ năm 1231, “Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ”14, nhưng mọi việc không đơn giản như nhiều người nghĩ. Đời Trần Thái Tông (1227), “Thi tam giáo tử (nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo)”15. Tháng 3 (1244), “cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.
Bấy giờ các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi là Tả nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn”16. Tháng 8 (1247), “thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ ất khoa”17…
Thời nhà Trần, bên cạnh việc xem Phật giáo như là quốc giáo, nhưng trong thực tế, các nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo vẫn bàng bạc trong đời sống. Cụ thể, việc tế và lễ minh thệ ở đền thờ thần Đồng Cổ, nhà Trần vẫn “theo như lệ cũ của triều Lý”18; tháng 6 (1247), “sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết”19, v.v.
Đạo Nho cũng quan tâm tới lễ nghi, nhưng không mấy quan tâm tới nghi lễ được cho là xa xỉ, phù phiếm: “Lâm Phỏng vấn lễ chi bản. Tử viết: “Đại tai vấn! Lễ, dữ kỳ xa dã ninh kiệm; tang dũ kỳ dị dã, ninh thích” (Lâm Phỏng hỏi về gốc của lễ. Khổng tử đáp: “Câu hỏi đó quan trọng đấy! Lễ mà quá xa xỉ thì kiệm ước còn hơn; tang mà quá chú trọng nghi tiết thì thương xót còn hơn”)20. Với Khổng Tử, điều quan trọng ở bản tâm thiện lương của con người: “Tử viết: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?” (Khổng Tử nói: “Người không có đức nhân thì lễ mà làm gì? Người không có đức nhân thì nhạc mà làm gì?”)21.
Nho giáo là hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng, được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, thái bình, thịnh vượng. Với đạo Nho, “Lễ” là những quy tắc mang tính hình thức được xã hội thừa nhận để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác, với cộng đồng hoặc với những định chế xã hội và để nhận được sự tôn trọng của xã hội, chứ không phải những “cuộc lễ” của thiên hạ bá tánh. Do vậy, Nho giáo chỉ ảnh hưởng đến những người bước chân vào cửa Khổng sân Trình chứ không ảnh hưởng tới bá tánh có niềm tin thần thánh.
Trong sách Luận ngữ, có đoạn: “Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?”. Viết: “Cảm vấn tử”. Viết: “Vị tri sinh, yên tri tử” (Quý Lộ hỏi đạo thờ quỷ thần. Khổng tử đáp: “Chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần?”. Lại hỏi: “Con mạo muội hỏi về sự chết”. Đáp: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?”)22.
Vậy thế giới tâm linh có không? Nếu có thì ở đâu? Ra sao?… Bao câu hỏi được đặt ra, không ai giải thích rạch ròi được, và tinh thần “vạn vật hữu linh” vẫn đọng trong tâm trí nhiều người, nên từ vua, quan cho đến bá tánh bình dân vẫn thực hành các nghi lễ mà ông cha truyền lại để mong tâm được bình an.
Nếu đạo Phật vào Việt Nam và làm theo lời Phật dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh” (kinh Kim Cang), thì rất khó đưa đạo Phật vào cuộc sống. Làm thế nào để nhìn tất cả đời sống này như một giấc chiêm bao, để thấy đau khổ hay hạnh phúc cũng chỉ như là giấc chiêm bao? Có lẽ quá nhiều người hiểu rõ điều đó và nói quá nhiều về điều đó. Nhưng tỉnh giấc chiêm bao để thấy cái gì hư, cái gì thực, thì chắc là quá ít.
Vì thế, nghi lễ Phật giáo khá cần cho đời sống tâm linh của người Việt Nam hiện nay, kể cả mai sau. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, đạo lý dân tộc Việt Nam ngàn đời qua mãi là thế, mặc cho thế nhân gọi là mê tín hay chánh tín. Theo tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra cái khung nghi lễ là đủ, còn lại để cho chùa tùy duyên hóa độ, giống như thế gian, mỗi quốc gia đều có bộ khung hiến pháp; các bộ luật theo đó mà soạn thảo, ban hành và sửa đổi tùy lúc theo đà phát triển, biến hóa của xã hội.
Đọc Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du viết cách nay hơn 120 năm (theo bản khắc ván năm 1895, do GS Lê Thước phát hiện ở chùa Diệc – TP Vinh), ta dễ dàng nhận ra nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo hòa trộn với nghi lễ tín ngưỡng dân gian: (…) “Nhờ đức Phật thần thông quảng đại/ Chuyển pháp luân tam giới thập phương/ Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương/ Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh/ Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh/ Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao/ Mười loài là những loài nào?/ Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh/ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh/ Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”/ Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi/ Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo/ Của có chi bát cháo nén nhang/ Gọi là manh áo, thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên/ Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu/ Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh/ Phật hữu tình từ bi phổ độ/ Chớ ngại rằng có có không không/ Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng/ Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.
Ngày 23 tháng chạp, nhà nhà có tục lệ đưa Ông Táo về trời, nhiều chùa cũng có nghi thức tống chư thiên, giỗ những hương linh gửi tại chùa. Trong lúc đó, nhiều địa phương cũng có nghi thức cúng nghĩa trủng sau khi dọn sạch cỏ dại, đắp lại mồ mả những người không còn người thân chăm sóc: “Ba tấc đất mồ hoang cỏ rậm/ Bốn phương trời khói lạnh hương tàn”23, nên không ít chùa tổ chức nghi lễ này rất được đại chúng hoan nghênh.
Cả ngàn năm qua, người Việt Nam đến với đạo Phật, biết Phật qua những nghi lễ như thế, chứ không phải qua kinh sách. Nhân hội thảo này, tôi cũng có kiến nghị, các chùa nên Việt hóa những lời kinh tiếng kệ, thì tôi tin đại chúng sẽ hiểu lời Phật dạy, hiểu những gì đạo Phật đem lại cho chúng sinh, và một khi đã hiểu thì mới yêu được, mới làm theo được. Ngay bản thân tôi có mấy lần tham dự nghi thức tống chư thiên và thỉnh chư thiên (chiều 30 Tết) ở một số chùa mà chẳng hiểu bao nhiêu, dẫu thấy đại chúng thành tâm tán tụng theo lời xướng của sám chủ, chẳng hạn: “Thiên địa thủy nhạc, tứ phủ vạn linh, bãi niên lạp ngoạt tống vân trình, bửu giá triều cung thiên, tống đạt tâm cung, giáng phước vĩnh vô cùng”, hoặc “Thiên chơn địa thánh, thủy triết dương hiền, tứ phủ la liệt biến sum vinh, hộ pháp chúng chư thiên, phổ phó pháp viên, giáng phước vĩnh vô cùng”, v.v. Và điều quan trọng, theo tôi, ở những nghi lễ Phật giáo, các chùa nên dựa vào tín tâm của đại chúng, hướng đại chúng đến với giáo lý Phật đà, chứ không phải khoa trương theo ý muốn của số ít người. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nếu ai muốn hiểu rõ được về hết thảy các đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, thì nên quán xét tánh thật của các pháp trên thế gian này tất cả đều là do tâm tạo thành). Và cái tâm ở đây là tâm thiện lương, tâm Phật. Bao đời qua, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, tùy thuận theo hoàn cảnh, phương tiện mà kế lý, khế cơ tiếp nhận từ dân gian. Đây là cách hành đạo của các tổ sư, trước là hội nhập cùng với đại chúng, kế đến là đưa chánh pháp lồng vào trong những sinh hoạt, nghi lễ để hoằng pháp độ sanh trên tinh thần nhập thế. Được vậy, tôi tin nghi lễ Phật giáo sẽ tồn tại lâu dài trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1- Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hải ngoại ký sự, Nxb. Tôn Giáo, H, 2012.
2 – Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, Nxb. KHXH, H, 2004.
3 – Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, Nxb. KHXH, H, 2004
4 – James, Paul & Mandaville, Peter, Globalization and Culture, Vol. 2: Globalizing Religions, London: Sage Publications, 2010.
5 – Macionis John J., Xã hội học, Nxb. Thống kê, H, 1987.
6 – Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh, Bách khoa toàn thư mở.
7 – Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, Nxb. Văn học, H, 1995.
8 – Viện Ngôn ngữ học, (2001), Từ điển Tiếng Việt, Nxb.Đà Nẵng.
9 – Vu Gia (chủ biên), Địa chí Đại Cường, Nxb. Đà Nẵng, 2005.
1. Viện Ngôn ngữ học, (2001), Từ điển Tiếng Việt,Nxb. Đà Nẵng, trang 561.
2. James, Paul & Mandaville, Peter (2010), Globalization and Culture, Vol. 2: Globalizing Religions, London: Sage Publications, P.41.
3. Macionis John J., (1987), Xã hội học, Nxb. Thống kê, H, trang 532.
4. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hải ngoại ký sự, Nxb.Tôn Giáo, H, 2012, trang 102.
5. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, Nxb. KHXH, H, 2004, trang 215.
6. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 253.
7. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 254.
8. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 255.
9. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 257.
10. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 254.
11. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 255.
12. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 262.
13. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 294.
14. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, Nxb. KHXH, H, 2004, trang 13.
15. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 10.
16. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 21.
17. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 22.
18. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 10.
19. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 23.
20. Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, Nxb. Văn học, H, 1995, trang 57.
21. Luận ngữ, sđd, trang 56.
22. Luận ngữ, sđd, trang 184.
23. Vu Gia (chủ biên), Địa chí Đại Cường, Nxb. Đà Nẵng, 2005, trang 333.