PHẬT Ở NGOÀI KHƠI XA

Thằng con tôi học xong cấp ba thi trượt hết cả cao đẳng lẫn trung cấp nghề, nó liền xung phong làm lính đảo. Tôi gật đầu. Vợ giẫy nẫy, đang thời điểm xung đột căng thẳng, nếu xảy ra chiến trận anh lo kiếm con về mai sau chống gậy. Tôi sắp sẵn một nụ cười, “sẽ có”.

Đêm ấy, khuya, điện thoại rù trên mặt bàn. Tôi và vợ giật mình ở tiếng đầu tiên. Hai người ngó nhau, có cái gì đó bất ổn. Tôi thể hiện sự dũng mãnh chồm dậy vồ lấy điện thoại.

– Ba à. Mẹ ngủ chưa ba?

– Trời, ngủ rồi, mà chưa. Sao gọi vào giờ này?

– Con đang ở chùa?

– Chùa nào? Sao lại chùa?

– Ở đảo cũng có ngôi chùa ba ạ. Ba để con nói chuyện với mẹ.

– Thì con cứ nói. Tới đó làm gì. Bỏ gác à?

– Không. Ở đây có một vị sư tội lắm…

– Ờ… ba nghe tiếng mõ rồi.

Tiếng mõ. Quen. Tôi hỏi sư có tụng kinh không, con tới gần ba nghe tiếng… Nó bảo sư đọc kinh rất nhỏ. “Vậy sư trông thế nào?” “Khó tả lắm, con mới chỉ gặp một lần hôm qua khi sư giặt áo, bây giờ đến chơi sư lại bận mất rồi. Con phải về vị trí bây giờ. Ba đưa con nói chuyện với mẹ tí”.

Miên man. Vợ tôi nằm bên nói chuyện, rõ cả giọng đứa con lẫn tiếng mõ lạc dần giữa sóng.

Tôi bắt đầu nghĩ nghiêm túc về con mình. Hồi cấp ba nó quen mấy đứa bên Thiên Chúa, thường xin về nhà chúng chơi. Tôi từng xuống đó tác nghiệp, bước vào cửa nhà thờ cao lớn đến mức thấy mình nhỏ bé vô cùng. Sau này thằng con có mượn về một số cuốn kinh. Tôi tự thấy làm lạ. Lúc còn nhỏ nó thường vẫn ăn cơm muối. Có một sự kiện tự ghi nhớ trong đầu: hồi ấy đói khát, vợ tôi nấu cháo gà… đến bữa nó lắc đầu kiên quyết không ăn. Con lớn tôi ít để ý, cũng bởi nó quá hiền lành sáng sủa. Đã có một sự chuyển biến âm thầm. Những gì liên quan đến giáo lý Kitô nó lượm lặt dần rơi rớt. Những chân ngôn nhà Phật thấm vào tâm can…

Vợ tôi chìa di động trước mặt, bảo cất. Tôi đã lan man về đứa con chứ không phải đối tượng tôi quan tâm ban đầu. Tiếng mõ. Tôi muốn lần theo tiếng mõ để biết ai là người từng nói chuyện với con tôi giữa biển khơi giông gió.

Lại nhớ đến một người bạn, người mà tôi và Phương tá hỏa kiếm tìm trong tủi nhục, trong sự kêu gào của lương tâm và trong niềm sám hối vô biên trước mười phương chư thánh.

Thường người dân gọi một nhà tu hành là Thầy hoặc Sư kèm tên người đó. Nhưng với Chân thì lại ngược: Chân sư. Người ta gọi vậy khi Chân còn mới học Phật, có tu song vẫn trong vòng vây gia đình và tình ái. Để biết, “chân tu” ở đây nghĩa gốc không hẳn là một vị sư cao thâm nương miền tịnh độ, mà đơn giản là tên một người trần đang những bước đầu tiên trên đạo lộ.

Tôi vốn là bạn của Chân sư. Hắn nhỏ tuổi hơn. (Xin mở ngoặc, tôi dùng từ “hắn” tức tôi đang muốn trì níu Chân ở lại hồng trần, đang nói về Chân lúc mới le lói ý theo Phật). Tôi viết báo chuyện nghiệp còn hắn làm thơ nghiệp dư. Hồi hắn đưa mấy bài nhờ tôi gửi tờ báo mình công tác; được đăng hắn quá mừng, rồi trăn trở lao vào thơ… Chiều ấy trời còn sáng và mây hồng phơi thảm, tôi mang tờ báo có in bài thơ của hắn đến nhà, tin hắn sẽ vui lắm. Xuất hiện ở đây là mơ ước của những nhà thơ chính danh; hắn lại đăng hai bài trang trọng, có cả minh họa trên nền màu. Ngạc nhiên tôi. Hắn liếc qua, dửng dưng, tờ báo Phật giáo vẫn trên tay. Không thỏa mãn, hắn bảo. Ban đầu chỉ ước đăng thơ trên báo địa phương như các cụ hưu trí, rồi ước đăng ở các báo trung ương, đến những tờ có uy tín văn chương. Tạm đủ. Vẫn không thỏa mãn. Thực ra do bởi cái tâm mong cầu không bao giờ như ý. Hắn vẫn sẽ làm thơ, hắn nói, nhưng không mong cầu nữa. Được đăng là cơ hội để tu cái tâm mong cầu đằm lại.

Mày có bị gì không? Hắn cười khẩy, im. Tôi bảo việc đăng thơ từ báo địa phương lên báo văn nghệ trung ương đấy chính là sự phát triển. Hắn mỉa. Đúng, đấy là sự phát triển theo nấc thang của xã hội, nhưng lại là bước thụt lùi của tâm thức. Sự đăng đàn kia vun bồi cái ngã của hắn lớn thêm. Nếu hắn cứ làm thơ rốt cục giỏi lắm chỉ thành nhà thơ. Tôi trợn mắt. Nhà thơ đâu phải ai cũng được công nhận. Gật. Nhưng hắn muốn là nhà sư. Nhà thơ dẫu cho cả trái đất này biết mặt, chết rồi cũng không cứu được mình nói chi đến siêu độ tha nhân.

Tôi toan bỏ đi chợt vợ hắn vừa về.

Bạn của chồng, Phương nhận tôi. Nhiều bữa hai người uống say lăn ra thềm, Phương phải điện vợ tôi đến. Có đêm sợ tôi trúng gió, Phương cùng ngồi taxi đưa tôi đến ngõ. Phương nhan sắc, dẫu còn thua cô bồ của tôi. Mỗi lần uống rượu tôi đều kể. Hắn không ủng hộ, luôn đem nhân quả nghiệp báo dằn mặt. Tôi có chờn, đang cố gỡ ra. Những lúc nói chính là rượu khôn chứ đâu phải tôi dại. Hắn giảng thêm: nhiều lúc nghiệp mày gây ra nhưng con phải gánh. Làm tôi rợn gáy, thú nhận: bữa hôm thằng cu gãy chân, vợ điện, chính là lúc tao đang với bồ. Lại rượu khôn. Cũng sợ. Tôi dằn lòng từ đây sẽ “tu” bớt. Rồi chuyện vỡ lở với gia đình bên bồ, tôi bị lên án dữ dội. Tôi đủ tỉnh táo để chọn lựa.

Vẫn thi thoảng tôi hẹn bồ, và hiện tại không biết đích màu gì. Hình như tôi đã hiểu lời Phật thông qua diễn ngôn của hắn. Hàng ngày tôi lấp đầy quỹ thời gian với công việc, ăn uống, thư giãn… Ngồi buồn, không còn bạn, bấm di động gọi những sâu rượu, đều bận. Đành chạy xe về nhà bày rượu ra lấp thời gian. Uống được hai ly đứng dậy loay hoay tìm di động vừa mới để đâu đó quên mất. Tìm ra. Bấm, chả biết gọi ai. Lướt hết mấy trăm cái tên, rồi thả máy. Tôi nhớ lời hắn, “phải biết làm bạn với mình. Một mình làm bạn với chính mình mà không có điều kiện gì cả có nghĩa bạn thực sự hài lòng với chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. – Ngài Carolyn Rose Gimian nói vậy”. Tôi ngửa cổ hất ly rượu vào sâu trong họng. Muốn chạy xe đến nhà hắn. Cũng sắp đứng dậy rồi… Lần đầu tiên tôi phát hiện một điều hệ trọng: tôi muốn đến ngôi nhà của Chân không phải muốn gặp hắn mà là một khuôn mặt khác.

Phương có Chân như sở hữu báu vật. Người đàn ông yêu thương vợ con, phong thái, đức độ. Chân không hề biểu hiện sự phản bội. Phản bội ở đây chỉ hiểu ở mức thấp nhất, là thoáng nghĩ đến bóng hồng nào đó. Nhưng người đàn ông như chiếc bình cổ giá trị đó ngày càng… lạnh. Những đêm đông, tấm thân nóng rật của Phương không khiến băng tuyết trong bình kia tan chảy. Gia đình Phương có người anh định cư nước ngoài, Phương lại chủ shop hàng thời trang ngoại, tiền không thiếu. Dạo Chân lao vào thơ, Phương mừng, dẫu sao chồng mình đỡ buồn sau đận nghỉ việc.

Quãng thời gian đó Chân thường lên chùa Phong Vân trên núi xa, xe máy chạy khoảng tiếng mới đến nơi. Sư trụ trì xưa cũng lang bạt trần ai, sau thất cơ lỡ vận lên chùa trú thân, duyên nghiệp sao ở lại tu luôn. Sư yêu muôn hoa cây cỏ, lại hay thơ phú. Chùa nức tiếng cảnh đẹp, thanh tịnh. Chân được Sư trụ trì cho đệ tử mời vào thất uống trà lúc Chân đứng ngẫm rất lâu trước bài thơ của Sư treo ngoài chánh điện. Hai cõi hồn thơ quyện lấy nhau. Tuần trà chiều, Chân xuống núi và từ đó đều đặn lên chùa học Phật. Có hôm Chân tính ở lại; 9 giờ đêm thấy Phương thuê một ông xe thồ tin cậy dẫn lên nài về bằng được. Sư trụ trì nhìn Phương, lắc đầu: “Vợ nền nã thế… ta thật ngợi khen tâm lực của con”.

Chân lạy Sư trở về không một lời phàn nàn. Đến nhà cũng vậy. Mâm cơm lạnh. Chân không ăn thì Phương quyết nhịn. Chân phải nhai qua quít, rồi tới ngồi xuống chiếc bàn kiểu Nhật, ở trên mấy bộ kinh còn mở. Có một trang trong Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) thuộc quyển Trung Bộ hai ngày nay Chân không muốn lật. Đọc đi đọc lại mấy lần, chừng đã nhớ vẫn sợ quên, sợ không thấm thấu đáy sâu kiếp mình. “Này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh (…) tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Vợ con là bị sanh (…) những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng”.

“Người ấy” trong lời Đức Phật, Chân tự chỉ tay vào mình… và tiếng khóc ụp vào tai Chân. Tiếng mõ của Sư trụ trì chùa Phong Vân dội ra từ tâm thức, và Chân nghĩ mình cũng phải có một cái mõ như vậy để át mọi vọng động tục trần.

Sáng sớm, lúc vợ còn giấc ngủ sâu, sau giờ xem kinh và lập thiền, Chân lội sương lên chùa Phong Vân dự tuần trà sớm với Sư trụ trì. Sư dẫn Chân dạo khắp khuôn viên, trèo lên cả những ngọn núi vây quanh đều được đặt tên. Sư bảo chùa sắp phải sửa lại chánh điện, tiện thể Sư sẽ làm tặng Chân một cái cốc để bất cứ lúc nào Chân đến tu. Chân chỉ tay lên hòn Vô Trụ. Sư gật, vỗ vai Chân. Ừ. Hãy tập làm bạn với chính mình.

Đến tuần trà tối Sư trụ trì hỏi:

– Liệu vợ con có lại lên…?

Chân nhìn ra ngoài vùng tối, lắc đầu thiếu tự tin.

Sư trụ trì gật, không mở lời thêm.

Trước lúc Chân chuẩn bị được ngồi thiền bên Sư thì điện thoại chùa reo. Sư alo và trao cho Chân. Phương bảo nếu anh không về em sẽ lên chùa ngồi ngoài sương chết cóng. Chân không trả lời, nhìn mặt Sư ái ngại. Sư lại gật. Chân nói vào điện thoại, anh sẽ về.

Sư chỉ tay vào chỗ trước mặt mình, ý bảo Chân ngồi xuống.

– Con về thật không?

– Dạ. Thú thực con muốn về nhưng cũng muốn ở lại.

– Ừm. Con đang hướng về cõi Tịnh với hai chân trên hai chiếc thuyền đó.

– Con hiểu Sư ạ.

Sư trụ trì rót trà vào ly của Chân.

– Ta không biết khuyên con thế nào. Nếu phải nói thật thì ta muốn con ở lại, song cũng muốn con trở về làm tròn bổn phận người chồng… Thôi thế này. Bây giờ ta sẽ lập một công án, nếu con giải thông thì tự tay ta xuống tóc cho. Bằng không từ nay con đừng lên đây nữa.

Chân run run bưng ly trà lên nhấp vừa ướt môi.

– Ta vẫn thường làm thơ tứ tuyệt lục bát. Lục bát là thước đo chiều sâu tâm hồn người sáng tạo. Lục bát không chấp nhận sự thừa thẹo ý tưởng, sự cẩu thả khi dụng từ, không chấp nhận ép vần thất điệu. Con hiểu chứ?

– Dạ…

– Ta vừa có làm một bài thơ, mới chỉ được hai câu.

Ngồi thiền đội cả không trung

Sát na chánh niệm vô chừng tạp ngôn

Con hãy hoàn tất hai câu luận và kết để thành một bài hoàn chỉnh trục tứ. Ta nhắc lại, không được ép chữ, lại không được thất điệu lạc vần.

– Dạ.

– Giờ thì con hãy về.

Chân cầm hai cầu lục bát xuống núi.

Phương gọi lúc tôi đã nằm bên vợ. Tôi đánh lạc hướng alo với thằng bạn, nêu tình hình bài viết vớ vẩn nào đó, vừa nói vừa đi ra sân thượng, khi đó mới nhỏ nhẹ Phương ạ, sao thế… Phương khóc rấm rứt… anh Chân ở lại chùa rồi. Anh bảo sẽ về nhưng em đợi từ chập choạng…

Tôi bỗng dưng nghẹn. Trời ơi, một người phụ nữ đẹp là vợ của bạn đang khóc nức bên tai mình…

Tôi rú ga trong mưa gió mịt mùng. Dân làm báo nhiều lần chạy xe lên rẻo cao trong mờ mịt, nay cực nhọc hơn. Tôi bặm chặt môi miệng. Mưa táp vào ráy rúa.

Tôi lệch đường với Chân. Một người trên đường Đạo, một người lún sâu vào đường Đời. Chân cuốc bộ theo đường khác, còn tôi theo đường chính lên chùa. Vắng. Sư trụ trì mới vào giấc thiền.

Tôi quầy xe, nhiều lúc ngỡ lộn nhào xuống chân núi tan xương nát thịt. Một mạch về thẳng nhà Chân. Bên trong hơi tối. Tôi lần danh bạ “Chan su”, không liên lạc được. Gọi “Phuong em”, giọng trả lời rất nhỏ: “Anh vào đi, cổng chưa khóa”. Tôi luồn tay mở chốt, dắt xe vào, cởi áo mưa, vuốt lại tóc tai. Nhà của vợ chồng Phương xây theo kiểu ống, đường luồn rộng hai mét. Khách thường được tiếp ở phòng thứ hai; phòng đầu tiên nay Chân dành cho mình yên tĩnh. Lần đầu tiên tôi thấy Chân ngồi thiền, trước mặt là chiếc bàn với những bộ kinh, một cái mõ mới màu mận chín. Phương vẫy tôi vào sâu phía trong, gian thứ ba – phòng ngủ. Tôi lướt qua phía sau Chân như cái bóng.

Chân sư quán sát thấu nửa đêm thì tìm ra chìa khóa mở công án. Trước đây làm xong một bài thơ Chân không ngủ được, thao thức nhẩm đọc đến thuộc vẫn trằn trọc, vẫn còn muốn vuốt ve cảm xúc đến mòn vẹt từng con chữ. Nay Chân thả lỏng, gắng giữ cho đầu rỗng, và giấc ngủ mau chóng. Tỉnh dậy nắng đã hong khô chất nhờn trên cái mõ tròn. Nhà vắng. Đứa con gái của Chân sư nhập học ở thành phố bên kia đèo Hải Vân, nhà chỉ vợ chồng, sáng nay còn một. Chân sư mở mắt liền tự răn mình thân thiện với bản thân. Vệ sinh sạch sẽ, Chân sư mở tủ khoác thêm áo ấm, xếp mấy cuốn kinh vào túi. Chỉ vậy. Không mang theo cắc bạc nào.

Sư trụ trì chùa Phong Vân đang tưới hoa. Một giàn phong lan hơn trăm loài bung nụ. Chân cúi lạy Sư rồi thẳng vào thất. Sư trụ trì giao bình nước cho một đệ tử.

Chân và Sư đối diện.

– Thưa Sư. Con đến thông công án. Giải được hay không sáng nay con cũng dứt nhà ra đi.

Sư trụ trì đón lấy khay trà của một đệ tử khác vừa mang lên.

– Con cứ nói.

– Dạ. Con trộm nghĩ bài thơ của Sư đã tròn nghĩa; viết thêm hai câu quả không khó mà e sợ thừa. Bài thơ có thể ví như bản thể một người. Câu lục tượng trưng đôi vai rộng gánh vác sơn hà của người quân tử, câu bát tượng trưng đôi chân hơi mở vững chãi giữa đất trời.

– Vậy ra người không đầu sao con?

– Đúng thiếu đầu Sư ạ. Chính bởi bài thơ của Sư chưa có tên. Tên của bài thơ chính là đầu. Nhưng ấy là lối nghĩ phàm. Một người thông tỏ Đạo Pháp họ không dùng đầu nữa mà dụng Tâm thưa Sư.

Sư nhìn ngàn hoa phong lan cánh đẫm sắc trời, như Sư chưa hề nghe một lời tường giải nào của Chân.

– Con này, ta sẽ xuống tóc cho con hôm nay, nhưng con không thể ở lại đây với ta được, dẫu ta đang tìm một người như con thay ta…

– Dạ…

– Bây giờ con muốn đến chùa nào trên khắp dải đất chữ S này ta đều hoan hỉ giới thiệu.

– Thưa Sư… xin để con được đong đo cặn kẽ.

(Tự thấy không xứng đáng xưng “tôi” nữa, tôi xin gọi mình bằng “hắn”).

Lần đầu tiên hắn chở Phương truy tìm Chân sư. Bã người. Máy xe nóng đến độ muốn nứt toe từng mảnh. Hắn nói hay cứ lên chùa Phong Vân. Phương cau có, đã bảo em điện lên Sư trụ trì rồi, Sư bảo Sư tu đến ngần này lại nói dối con. Nhưng cứ lên – hắn tỏ ra cáu – Chúng ta đã gọi hết người trong danh bạ, đã tìm khắp thành phố này, chỉ đường lên trời chưa rẽ vào thôi.

Chiếc xe Future móc số 2, rì giật, chưa đến cổng chùa thì hết xăng, máy ngắt giật ngược. Hắn bảo Phương ở đây. Phải đợi hơn nửa tiếng Sư mới xả thiền.

Sư trụ trì chế vào bình trà chút nước sôi, rót ra ly mời hắn.

– Một người chồng tìm đường giải thoát cho mình nhưng để lại nỗi quạnh vắng cho vợ con, người đó có tội không thưa Sư?

– Này con, Thái tử Tất Đạt Đa có tội với một số người ít ỏi song có công cứu độ muôn người. Còn với bạn của con… Kinh về các nam Thiên Nhân và các nữ Thiên Nhân chép rằng: “Có một lần Đấng Thế Tôn đang du hành trên con đường cái nối liền giữa Mandura và Veranja, thì vào lúc ấy có đám đông các vị chủ gia đình cùng với các bà vợ của họ cũng cùng đi trên trục lộ quan trọng này. Đấng Thế Tôn rời khỏi đường cái và ngồi xuống một chiếc ghế được đặt dưới gốc cây cạnh vệ đường. Trông thấy Đấng Thế Tôn ngồi (nghỉ chân), đám người chủ gia đình cùng với các bà vợ bèn tiến đến gần, họ đảnh lễ Đấng Thế Tôn rồi lùi lại. Khi mọi người đều an tọa thì Đấng Thế Tôn cất lời:

“Này các người chủ gia đình, có bốn cách sống chung (trong cuộc sống lứa đôi). Vậy bốn cách sống ấy là gì? [Đấy là] một người đàn ông giống như một xác chết sống với một người đàn bà giống như một xác chết; một người đàn ông giống như một xác chết sống với một người đàn bà giống như một nữ thiên nhân; một người đàn ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một xác chết; một người đàn ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một nữ thiên nhân”. Chân sư từng sống với vợ mình là “người đàn ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một xác chết. Trong trường hợp ấy, người chồng không sát sinh, không phạm vào tội ăn cắp, tránh được những hành vi tính dục… Trong khi đó thì vợ… phạm vào những hành vi tính dục bất chính (…) vợ hắn sống với tâm địa ô uế”.

Việc con đến chùa hôm nay… Chân sư không nhận lời ta giới thiệu đến một ngôi chùa nào đó mà tự bước đi.

Người lính trẻ nhóm bếp, bắc ấm nước rồi trở lên tiếp kiến vị sư.

– Thưa sư, nếu như có đội quân hung hãn của một nước nào đó đến chiếm đảo này, chúng con phải bắn giết…

Vị sư đứng dậy, vào trong điện mang ra một cuốn sách, bìa vẽ ông vua ngồi trên ngai, đưa cho người lính.

– Đây là cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người từng lãnh đạo quân dân đánh tan tác giặc Nguyên Mông. Sau đó Ngài rũ giáp lên Yên Tử tu thành chánh quả. Ấy là giặc đến xâm lược, chiếm cái không phải của chúng. Ta thì giữ những gì thuộc về ta… Tuy nhiên đấy không phải là câu trả lời. Câu trả lời nằm trong cuốn sách trên tay con và con phải tự tìm lấy.

– Thưa sư. Con biết Phật Hoàng, tuy con chưa kịp đọc cuốn sách này. Nó có trên giá sách tư liệu của ba con.

– Vậy sao? Ba con làm nghề gì?

– Bạch sư ba con làm báo.

Vị sư hơi cau mày, nhìn kỹ hơn khuôn mặt người lính trẻ.

Những hình ảnh quá vãng xảy ra tại ngôi nhà của vị sư ngày nào chưa tan…

“Mạnh dạn tự tin mở chốt cổng, hắn không lén lút vào đường lòn mà thẳng vào gian phòng đầu tiên của ngôi nhà ống. Hắn quỳ xuống phía sau người đàn ông đang niệm Phật, lạy ba cái trán chạm đất rồi nhón nhén lùi vào gian phòng sau với người phụ nữ…”.

Chậm rãi. Vị sư nhìn ra phía biển.

– Con ơi sao chiều nay sóng dữ quá, không chừng bão mất thôi.

Sư lặng lẽ tới ngồi trước bàn Phật, tay cầm dùi mõ… cốc… cốc… cốc… cốc… tiếng mõ trầm đục… biển mê dậy sóng…

 (Theo Nhụy Nguyên Blog)