TRÌ CHÚ & NHỮNG ĐIỀU BẮT BUỘC PHẢI BIẾT

TRÌ CHÚ LÀ NHƯ THẾ NÀO ?
TRÌ CHÚ & NHỮNG ĐIỀU BẮT BUỘC PHẢI BIẾT
(Khái niệm – xuất xứ- công năng – cách hành trì)
THẦN CHÚ LÀ GÌ?
Thần chú, còn gọi là chân ngôn, hay Đà La Ni (hoặc Đà Ra Ni) hiểu một cách nôm na, đó là những những mật mã bí ẩn hàm chứa chân lý và năng lượng tinh hoa của Vũ trụ, được các đức Phật và các vị Bồ Tát dùng trí tuệ của các ngài dồn nén lại trong những âm thanh cô đọng, từ ngữ cô đọng, tạo ra những câu thần chú hoặc những bài thần chú.
Vì được dồn nén, cô đọng lại, nghĩa lý trong mỗi câu từ của thần chú là trùng trùng điệp điệp, sâu xa thăm thẳm không thể dùng tư duy của phàm phu mà hiểu được, chỉ có trí tuệ của các đức Phật, các vị đại Bồ Tát mới hiểu đầy đủ và đúng nghĩa của thần chú.
Vì lẽ đó, thần chú không có dịch nghĩa, người trì tụng chỉ cần đọc với niềm tin mà không cần hiểu nghĩa, là đã có thể phát huy công năng của thần chú. Điều này khác với pháp môn đọc tụng kinh điển, cần phải hiểu rõ nghĩa mới có thể thực hành.
Đọc với niềm tin mà chẳng hiểu nghĩa, việc này giống như khi chúng ta bị bệnh, chúng ta ra gặp dược sĩ, mua thuốc, uống vào là có thể khỏi bệnh.
Các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ… với trình độ chuyên môn cao thâm về y học, đem hiểu biết của mình điều chế các dược liệu với tỉ lệ chính xác, cùng với quy trình điều chế phức tạp để tạo ra các viên thuốc.
Bệnh nhân muốn hết bệnh, chỉ cần uống thuốc với liều dùng phù hợp, thì sẽ khỏi bệnh dù chẳng hiểu các viên thuốc ấy thành phần là gì, được điều chế như thế nào.
Không phải vì các giáo sư tiến sĩ của ngành y không muốn cho bệnh nhân hiểu rõ thành phần và cách điều chế của thuốc trước khi uống. Mà là vì việc đó quá khó khăn với trình độ của bệnh nhân.
Cần mất rất nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm nỗ lực học tập nghiên cứu mới đủ trình độ để hiểu rõ thành phần cấu tạo, cách thức điều chế, nguyên lý hoạt động của một viên thuốc, nếu phải đợi lâu như thế để hiểu rõ, rồi mới uống thuốc, vậy thì bệnh nhân đã chết cả hết rồi.
Vì thế, nên bệnh nhân chỉ còn một cách: tin tưởng vào bác sĩ, vào hãng dược, uống thuốc theo chỉ dẫn mà không cần hiểu gì, là vẫn có thể khỏi bệnh.
Việc này lại cũng giống như dùng chìa khóa để mở hòm kho báu đang khóa kín. Người được trao cho chiếc chìa khóa, không cần phải biết bên trong ổ khóa cấu tạo như thế nào, các trục bi, rãnh khớp sắp xếp như thế nào, chỉ cần đút chìa vào ổ khóa, vặn một cái, kho báu mở ra là có thể đem vàng bạc, châu báu đi tiêu xài.
Cũng như vậy, những người có duyên, quyết định chọn pháp môn trì tụng thần chú để tu tập, thì chỉ cần tin tưởng vào trí tuệ và năng lực của các đức Phật và Bồ Tát, đã tổng trì ra các thần chú, y theo đó đọc tụng thì sẽ được kết quả vi diệu.
Nếu không tin, vậy tốt nhất chúng ta nên chọn một pháp môn khác, Phật Pháp có rất nhiều pháp môn khác nhau cho chúng ta lựa chọn, không hợp môn này ta có thể chọn một khác, điều đó cũng không sao cả.
Cũng phải nói thêm, thần chú không phải chỉ duy nhất đạo Phật mới có, mà các tôn giáo khác, các tín ngưỡng dân gian cũng có thần chú, nổi bật có thể kể ra như các thần chú của Lão giáo mà các đạo sĩ thường dùng để trừ ma, hay như các thần chú của thầy bùa, thầy Pháp trong dân gian.
Điều khác biệt của thần chú trong Phật giáo, là luôn đem tới những điều tốt lành cho người trì tụng, không sợ phản ứng phụ, và luôn chứa đựng hạt giống Bồ Đề, chứa đựng những chủng tử của Phật, khiến người trì tụng luôn luôn tăng trưởng duyên lành, cho đến một tương lai xa xăm nào đó có thể thành Phật.
– Vậy các thần chú của đạo Phật hiện nay được lưu truyền như thế nào?
Khởi thuỷ, vào thời Đức Phật, hoặc chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc các đại Bồ Tát sẽ tuyên thuyết ra các thần chú. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, ngài A Nan đã kết tập các thần chú lại trong những kinh điển, không chỉ chứa câu thần chú, mà còn miêu tả rõ hoàn cảnh mà Đức Phật hoặc các vị Bồ Tát thuyết ra thần chú, cùng với công năng, cách hành trì… những thần chú được công khai truyền dạy đó, gọi là thần chú phổ thông, ai có duyên muốn đọc tụng cứ đọc.
Ví dụ như chú Đại Bi do Quán Thế Âm Bồ Tát thuyết trong kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, chú Lăng Nghiêm được đức Phật Thích Ca thuyết trong kinh Lăng Nghiêm, chú Bảo Khiếp Ấn được Phật Thích Ca thuyết trong kinh Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni. Chú Vãng Sinh do Phổ Hiền Bồ Tát thuyết trong kinh Niệm Phật Ba La Mật… cùng với hàng ngàn thần chú được lưu truyền công khai trong rất nhiều kinh điển khác.
Nếu muốn biết rõ chúng ta hãy dành nhiều thời gian nghiên cứu trong các tạng kinh của Đức Phật để lại, không nghiên cứu mà biết rõ hết được, nó là chuyện hái sao trên trời.
Tuy nhiên, có rất nhiều thần chú mang đặc thù riêng, không phải ai cũng được phép đọc tụng, Đức Phật và các vị Bồ Tát chỉ truyền thụ riêng cho những người đủ căn duyên, đủ trình độ, đủ đức hạnh, và lưu truyền bí mật từ thế hệ này sang thế hệ khác, gọi là mật chú. Vì là bí mật, nên chúng ta cũng không cần tìm hiểu sâu làm gì, hàng ngàn thần chú phổ thông đã là quá đủ để mọi người hành trì theo.
CÔNG ĐỨC, LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI ĐỌC TỤNG THẦN CHÚ
Mỗi một thần chú sẽ chữa đựng những công năng riêng, đăc thù riêng, xong thông thường sẽ có chung các đặc tính sau:
1. Tiêu trừ nghiệp chướng
Nhờ đó người đọc có thể thoát được các hoạn nạn, tai ương, bệnh tật, đau khổ…
2. Tăng trưởng phước lành
Nhờ vậy người đọc có thể gặp được nhiều may mắn, tăng thêm trí tuệ, đức hạnh, gặt hái nhiều điều tốt lành…
3. Tạo ra công năng đặc thù của thần chú
Ví dụ như chú Lăng Nghiêm có công năng trừ tà, phá ma chướng cực mạnh, chú Vãng sinh giúp người đọc tiêu nghiệp và sớm được vãng sinh về Tịnh Độ. Chú Biến Thực có công năng biến phẩm vật ra thật nhiều, chú Đại Bi là vạn năng, chữa bệnh cũng được, tăng trưởng trí tuệ, thần thông cũng được, mau chóng đắc đạo cũng được.
Muốn biết rõ công năng của từng thần chú như thế nào, chỉ có cách là đọc kỹ trong kinh điển thuyết ra thần chú đó.
4. Chiêu cảm sự gia hộ của vị Phật, vị Bồ Tát thuyết ra thần chú đó.
Đây là một điều vi diệu mà không phải pháp môn nào cũng có. Hầu hết các pháp môn trong đạo Phật, người tu phải tự dựa vào sức mình, gọi là tự lực. Nỗ lực hành trì bao nhiêu, thì được hưởng thành tựu bấy nhiêu.
Riêng có 2 pháp môn, là trì tụng thần chú, và niệm danh hiệu chư Phật – Bồ Tát, sẽ nhận được thêm tha lực. Tha lực là như thế nào ?
Khi trì tụng thần chú nào đó, hay niệm danh hiệu vị Phật – Bồ Tát nào đó, ngoài những công đức do nỗ lực tụng niệm mà có được, người tu còn nhận được sự gia hộ đặc biệt của vị Phật hoặc Bồ Tát – vị bổn tôn đã thuyết ra thần chú đó, cộng thêm rất nhiều thiện thần, hộ pháp trợ giúp cho sớm thành tựu, gọi là tha lực.
Vừa có công đức do nỗ lực của bản thân mình, vừa nhận thêm tha lực của chư Phật – Bồ Tát, bởi thế nên những người tu theo hai pháp môn này, thường nhanh gặp được những linh ứng vi diệu.
5. Tăng trưởng Bồ Đề Tâm
Hiểu một cách đơn giản, Bồ Đề Tâm là hạt giống ban đầu để có thể trở thành Phật. Một khi đã gieo trồng, hạt giống này vĩnh viễn không bị hư hoại, mà chậm rãi nảy mầm, lớn lên dần dần.
Trải qua vô số kiếp, dù có đầu thai luân chuyển nhiều kiếp không còn nhớ gì nữa, dù có được làm người, hay phải phải làm súc sinh, ngạ quỷ, phải vào địa ngục, Bồ Đề Tâm cũng không mất đi, mà sẽ âm thầm dẫn dắt ta hướng về cái thiện, hướng về Phật Pháp để tu hành, tích lũy công đức lớn dần cho đến khi thành Phật mới thôi.
4 đặc tính đầu (tiêu nghiệp, tăng phước, công năng đặc thù, gia hộ) là hiện tại có thể thấy được, nhiều hay ít tùy thuộc mỗi người, còn đặc tính thứ 5 (gieo chủng tử Bồ Đề) phải vô lượng kiếp sau mới thấy.
4 đặc tính đầu cần phải đáp ứng khá nhiều yêu cầu khi hành trì mới đạt được, phạm phải những điều cấm kỵ sẽ mất đi ( cụ thể sẽ nói rõ ở bài sau) còn đặc tính thứ 5, hễ có đọc là chắc chắn đã gieo được giống Bồ Đề Tâm, chẳng bao giờ mất.
Với người trí tuệ có hạn, thích những thành quả đến ngay, thì sẽ coi 4 đặc tính đầu là quan trọng hơn đặc tính thứ 5.
Nhưng với người có trí tuệ nhìn xa, xa đến vô lượng kiếp, thấu hiểu được sự lên xuống, được mất vô thường của mọi thứ, sẽ hiểu ra đặc tính thứ 5 – gieo chủng tử Bồ Đề để tương lai có thể thành Phật mới thực sự là điều trọng đại.
HÀNH TRÌ : CỤ THỂ TRÌ CHÚ LÀ LÀM SAO ?
Đầu tiên bạn cần chọn cho mình một thần chú nào đó để hành trì. Mỗi người sẽ phù hợp với một thần chú khác nhau chứ không có bất kỳ quy định mang tính áp đặt nào.
Bạn nên đọc qua nhiều kinh điển, tìm hiểu về tính chất, lợi ích của nhiều thần chú khác nhau. Sau đó thử đọc tụng mỗi thần chú một thời gian, rồi thông qua cảm quan của chính mình, chọn lấy một, hoặc nhiều thần chú mà bạn cảm thấy phù hợp nhất để đọc tụng hàng ngày.
Cách thức trì tụng :
Đơn giản là bạn cứ đọc thôi. Có thể có một vài cách khác như biên chép, xong phổ biến nhất thì vẫn là đọc tụng.
Một lần đọc hết từ đầu đến cuối một thần chú thì gọi là một biến.
MC : -Dạ xin cho hỏi mỗi lần trì chú mình phải đọc bao nhiêu biến ạ ?
-Một buổi có thể đọc được bao nhiêu biến tùy tâm, càng nhiều thì càng tốt, càng nhiều công đức, không có luật nào cấm bạn đọc nhiều quá. Và cũng không ai phạt bạn nếu bạn nghỉ không trì chú cả. Chỉ là công đức sẽ tăng hoặc giảm, lợi ích bạn nhận được nhiều hay ít mà thôi. Vậy nên nếu bạn hỏi tôi phải trì bao nhiêu biến, tôi sẽ hỏi ngược lại bạn rằng : ‘Bạn muốn được bao nhiêu công đức ?’
Do cần duy trì đọc đi đọc lại như thế, nên việc đọc thần chú mỗi ngày gọi là trì chú.
Ban đầu chưa thuộc thì cứ nhìn giấy đọc, khi thuộc rồi thì thôi. Bạn cứ đọc bình thường, không cần ngân nga theo giai điệu nào cả, miễn đọc rõ ràng là được. Tốc độ đọc bạn tự điều chỉnh nhanh chậm sao cho phù hợp với mình.
Khi đọc thì tâm chú ý lắng nghe âm thanh thần chú của mình đang đọc, đó là cách dụng tâm căn bản nhất. Niệm Phật và tụng kinh cũng có cách dụng tâm giống như vậy, mình đang niệm gì, tụng gì, tâm biết rõ như vậy, không nghĩ ngợi chuyện khác.
Xong thực tế không có đơn giản, nếu tâm vọng tưởng bay bổng nhiều quá, miệng đọc mà đầu toàn nghĩ chuyện khác, thì đến khi nào sực nhớ ra, bạn hãy kéo cái chú ý trở lại, tập trung nghe âm thanh thần chú.
Việc này không có dễ, nếu cố gắng rồi mà mãi bạn vẫn không sao tập trung được, bạn cũng đừng có nản. Cho dù bạn mất tập trung, thì có đọc vẫn cứ luôn có công đức, không nhiều thì ít, luôn tốt hơn là không. Đừng có bỏ tu chỉ vì không tập trung được.
Về tư thế, tốt nhất thì bạn nên quỳ, chắp tay mà đọc chú. Nhưng đừng máy móc, các tư thế khác như ngồi, đi, đứng cũng vẫn được.
Với người tu hành lâu sẽ được học về cách kiết ấn tay, xong với người mới bắt đầu cứ chắp tay là được, đừng đặt nặng đến việc bắt ấn như thế nào. Tu tập nhiều năm, đủ duyên tự nhiên sẽ có người chỉ, không đủ duyên mà cứ cố tình tìm hiểu về kiết ấn, đó mới là nguy hại.
Yêu cầu căn bản:
Mức độ đầu tiên của người trì chú, chỉ có một yêu cầu căn bản, đây là mức tối thiểu bạn phải tuân thủ khi đọc thần chú :
CHỈ ĐỌC THẦN CHÚ THÀNH TIẾNG KHI ĐẢM BẢO TRANG PHỤC CHỈNH TỀ, TƯ THẾ NGAY NGẮN, KHÔNG CÓ NẰM.
CÒN LẠI NHỮNG LÚC TRANG PHỤC KHÔNG CHỈNH TỀ, như nam cởi trần quần đùi, nữ váy ngắn, áo hai dây, sát nách, hay khỏa thân… hay ở những nơi bất tịnh như nhà vệ sinh, làm những việc tế nhị không tiện nói ra, thì chỉ trì chú thầm trong tâm thôi. Khi nam nữ ân ái phải dừng hẳn không tụng niệm.
Hãy cố gắng hiểu rõ yêu cầu này, nếu vi phạm sẽ thành tội bất kính với thần chú, các vị Hộ Pháp sẽ có biện pháp trừng phạt.
Ngược lại, nếu không rõ yêu cầu cơ bản này, sẽ rơi vào bệnh máy móc, hơi chút lại sợ thế này được không, thế kia được không, đi hỏi hết người này đến người kia, tốn công mà cũng chẳng bao giờ trả lời hết được cho mọi trường hợp.
Để giúp bạn tránh rơi vào bệnh máy móc, cũng như để hình dung mức độ nặng nhẹ khác nhau của từng yếu tố liên quan đến việc trì chú, Quang Tử sẽ tạm đặt ra một số quy ước với tỉ lệ % trong video này, để bạn dễ hình dung.
Lưu ý, các tỉ lệ % này chỉ là tương đối, giúp bạn dễ hiểu, chứ không phải thực tế luôn chính xác tuyệt đối như vậy.
Giả sử có một người bắt đầu thực hành trì thần chú, ngoài việc giữ được YÊU CẦU CĂN BẢN nói trên, anh ta không có thêm bất cứ gì khác.
Cụ thể hơn, anh ta đi ngoài đường, quần áo chỉnh tề, vừa đi vừa lầm rầm đọc một câu thần chú mới học trên mạng.
Ngoài ra, anh ta chưa Quy Y nên cũng không biết giữ giới là như thế nào. Đi ngoài đường nên không có bàn thờ gì cả. Anh ta ăn mặn, cũng chẳng kiêng khem gì. Vừa đọc thần chú, đầu anh ta lại vừa phân tâm nghĩ đến việc sếp mới giao ở công ty, chẳng tập trung gì cả.
Như vậy thì anh ta có được công đức gì chăng ?
Chắc chắn là có, hễ cứ giữ đúng yêu cầu căn bản, thì có đọc thần chú là phải có công đức, không nhiều thì ít.
So với một người khác, vì dập khuôn máy móc, cho rằng muốn trì chú là phải quỳ trước ban thờ Phật, phải có chuông có mõ, phải thế này thế kia, rất nhiều… Khi không đủ các tiêu chuẩn đó thì nhất định không trì chú.
Xong không đọc thì cũng chẳng có tí công đức nào, là thua đứt so với người có đọc trên kia, đó là cái dở của tính máy móc, dập khuôn.
Chúng ta sẽ tạm quy ước, lượng công đức có được khi một người đọc hết một bài thần chú, ở mức thấp nhất, chỉ vừa đủ đảm bảo YÊU CẦU CĂN BẢN đã nói ở trên thôi, không có thêm yếu tố gì khác, ở đây ta quy ước coi đó là 100%.
MC : -Vậy có cách nào để anh ta tăng thêm công đức của mình lên thành 200%, 300% …không ạ ?
• Tin vui là có, và có rất nhiều yếu tố từ dễ đến khó để anh ta tăng công đức lên. Cách đầu tiên, rõ ràng và dễ hiểu nhất, là đọc nhiều lần.
Đọc một biến thần chú thì có công đức của một biến. Đọc 2 biến thì công đức tăng gấp đôi, 3 biến tăng gấp 3, 21 biến tăng gấp 21 lần… và không có giới hạn nào cả ngoài giới hạn của sự kiên trì trong chính bạn.
• Tiếp theo, nếu anh ta thêm được một yếu tố : bàn thờ trang nghiêm. Nghĩa là hoặc anh ta đến chùa ở trước tượng Phật, hoặc về nhà nơi có sẵn bàn thờ Phật mà trì chú, thì mỗi biến anh ta sẽ tăng thêm được khoảng 10% công đức so với mức căn bản.
Như vậy, mức căn bản ban nãy ta quy ước là 100% , giờ + thêm 10%, là = 110%.
• Tiếp nữa, nếu mỗi tháng anh ta ăn chay được 10 ngày vào những ngày Thập Trai, thì tháng đó, mỗi biến thần chú anh ta đọc tụng, sẽ tăng thêm khoảng 10%.
Vậy, mức căn bản 100% + 10% (do đọc trước bàn thờ trang nghiêm) + 10% (do ăn chay tháng 10 ngày) = tổng cộng 120 % trên mỗi biến.
• Tiếp tục, nếu trong khi trì chú, anh ta cảm thấy rất hân hoan, vui thích, gọi là hoan hỉ, vậy thì công đức của anh ta sẽ tăng thêm 10% mỗi biến.
Cộng lại, 100% (của mức căn bản) + 10%( ăn chay tháng 10 ngày) + 10%( bàn thờ trang nghiêm) + (10% tâm hoan hỉ) = 130 % mỗi biến.
Ngoài 3 yếu tố bàn thờ, ăn chay Thập Trai, hoan hỉ kể trên, còn có hàng chục yếu tố khác thậm chí còn tăng công đức nhiều hơn đến 30%- 50% trên mỗi biến, chúng ta sẽ quy ước gọi là yếu tố tăng công đức.
MC : – Vậy anh ta phải tuần tự đáp ứng hết các yếu tố đó phải không ạ ?
-Không ! Anh ta không nhất thiết phải đáp ứng hết, không có máy móc như vậy, mà là tùy hoàn cảnh mỗi người, thêm được yếu tố nào thì hưởng thêm công đức của yếu tố đó, còn không làm được thì thôi.
Cái cần phải lo là cái này. Ngoài các Yếu tố tăng công đức, chúng ta cũng có một loạt Yếu tố giảm công đức, nếu phạm phải, mỗi biến công đức sẽ bị giảm đi. Ví dụ, hàng ngày anh ta thường ăn tỏi, hành, hẹ, thì mỗi biến, anh ta sẽ bị giảm đi 90% công đức.
Vậy 100% (công đức mức căn bản) – 90% (do ăn hành tỏi) = thì còn được 10% công đức.
MC : – Chà, yếu tố hành tỏi này cũng đáng ngại thật, làm tiêu hao đến 90% công đức có được, thảo nào trì chú mãi không thấy chuyển biến gì. Vậy phải chăng, nếu phạm nhiều điều quá thì càng đọc công đức của ta sẽ bị âm đi không ạ ?
– Rất may là không. Ngoài hành tỏi, hay đúng hơn là Ngũ vị tân ra, thì ta còn 3 loại yếu tố giảm công đức nữa. Tuy nhiên, bạn đừng lo là phạm phải nhiều yếu tố giảm trừ thì sẽ bị âm, chuyển thành có tội, có quả báo được. Không, cùng lắm thì bạn chỉ được hưởng rất ít công đức mà thôi, chứ không bị âm, đang tạo phước mà chuyển thành quả báo sao được.
Như ở phần trước Quang Tử đã nói. Đó là công đức của việc trì chú sẽ có 5 loại.
Nếu phạm phải các yếu tố giảm công đức, thì cũng chỉ làm giảm bớt, hoặc mất đi 4 lợi ích đầu. Con lợi ích thứ 5: tăng Bồ Đề tâm luôn luôn vẫn có phần. Vậy nên bất luận như thế nào, bạn cũng hãy cố gắng duy trì.
MC : – Vậy xin cho biết có tất cả bao nhiêu yếu tố tăng công đức, bao nhiêu yếu tố giảm công đức, và xin phân tích làm rõ ạ.
Về các Yếu tố tăng công đức : có 18 yếu tố. Thấp thì tăng được 5%, nhiều thì tăng đến 50%.
– Mức 5%, có yếu tố : Trang phục chỉnh tề
– Mức 10%, có 3 yếu tố :
+ Hoan hỉ
+ Bàn thờ trang nghiêm
+ Ăn chay thập trai
– Mức 20%, có 6 yếu tố :
+ Căn cơ nhiều kiếp
+ Thần chú bổ trợ
+ Đọc to – rõ ràng
+ Chuyên nhất
+ Đọc chuẩn âm Phạn
+ Số lượng nhiều
– Mức 30%, có 5 yếu tố:
+ Giữ nghêm giới luật
+ Tập trung
+ Ăn chay trường
+ Từ bi – đức hạnh
+ Kiên trì
– Mức 40%, có yếu tố: Nghiệp nhẹ phước lớn
– Mức 50%, có 2 yếu tố:
+ Đức tin tuyệt đối
+ Tâm thành kính
Lưu ý đây chỉ là dành cho người hành trì ở mức độ phổ thông, còn các bậc hành giả Mật Tông mật truyền sẽ còn nhiều yếu tố phức tạp khác như quán đảnh, kiết đàn, kiết ấn, nghi thức cúng dường .v.v… nhưng chỉ nội bộ mới biết, không có truyền ra ngoài, và ta cũng không cần tìm hiểu làm gì. 18 yếu tố sau đây là cũng đủ trở thành thách thức với hầu hết mọi người rồi.
Về các Yếu tố giảm công đức, có 4 yếu tố, có thể giảm từ 10 -90% công đức.
– Ăn ngũ vị tân ( giảm từ 10 -90%)
– Phạm các ác nghiệp (giảm từ 10 -90%)
– Kinh chú thiếu chữ ( giảm từ 20 -70%)
– Nghi ngờ ( giảm từ 50 -99%)
Xin nhắc lại lưu ý, các tỉ lệ % này chỉ là tương đối, giúp bạn dễ hiểu, chứ không phải thực tế luôn chính xác tuyệt đối như vậy. Mỗi người hoàn cảnh, căn cơ khác nhau, sẽ có sự giao động tăng giảm % không thể luôn chính xác.
Cụ thể từng yếu tố như thế nào, mời bạn xem trong video đăng kèm bài viết này ( nếu không thấy, bạn có thể tìm trên kênh Youtube Quang Tử với từ khóa ‘Thần chú hướng dẫn cách hành trì’ để xem) với phần phần phân tích của một vị Chú sư Mật Tông.
Phật Pháp vi diệu nhưng rộng lớn quá, khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu ?
Hoặc bạn đã tìm hiểu nhiều xong vẫn còn cảm thấy chưa nắm được những điểm mấu chốt để áp dụng là những điểm nào ?
Chính vì vậy, Quang Tử đã tóm gọn lại những bài viết mang tính then chốt, chứa đựng những giáo lý mang tính ứng dụng thực tế cao, được nhiều người quan tâm trong thời đại này, mà bất cứ người nào cũng cần nắm rõ, làm hành trang căn bản, để ứng dụng hóa giải mọi khổ đau của cuộc đời.
21 bài viết và video trong fanpage Facebook này, 21 chủ đề khác nhau, tuy chẳng là gì so với biển học mênh mông của Đạo Phật, xong hi vọng sẽ giúp bạn thỏa mãn khao khát tìm hiểu, nắm vững yếu chỉ then chốt. Hãy bấm vào link bên dưới và lần lượt khám phá từng bải viết.