Trong thơ văn thiền Việt Nam, vẻ đẹp của chân lý tuyệt đối được biểu trưng bằng nhiều cách. Một cành mai của Thiền sư Mãn Giác nở hoài từ vô thỉ vô chung, mỗi độ xuân về thường được nhắc đến. Đôi ngỗng của Thiền sư Pháp Thuận, từ thời đón sứ Tống đến nay cũng cứ bơi hoài, trong đó có cái đẹp thong dong lướt đi trên nước, như mọi thứ trong đời cứ lướt đi không vướng bận.
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.
Thiền sư Thiền Lão thì mượn trúc biếc hoa vàng để diễn tả cảnh giới toàn chơn. Thiền sư Cứu Chỉ nói đến cái sáng ngời trong suốt trên khắp đầu ngọn cỏ lá cây, không đâu không có.
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.
(Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống
Giới giới xứ xứ thường thường lãng lãng)
Cho dù văn thơ thiền Việt Nam rất ít, khiêm tốn và đơn giản như cuộc đời thiền sư, không lộng lẫy đặc biệt như thiền Trung Hoa, nhưng qua mỗi trang chữ, không thiếu hình ảnh Chân Thiện Mỹ. Có thể chọn một bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ làm tiêu biểu.
Họa Hưng Trí Thượng Vị Hầu
Thiền phong vô hậu diệc vô tiền
Bản thể như như chỉ tự nhiên
Thiếu Thất cửu niên vô nhất ngữ
Hoàng Mai bán dạ giả đơn truyền
Tâm cơ bất quải ti hào niệm
Khẩu nghiệp hà lao gián trạch nghiên (ngôn)
Vị báo Nguyên quân Trần xử sĩ
Nhất thanh lãnh nhạn độ sương thiên.
Họa thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
Thiền phong không trước cũng không sau
Bản thể như như sẵn vậy nào
Thiếu Thất chín năm không một tiếng
Hoàng Mai đêm giữa tạm riêng trao
Tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm
Khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa câu
Vì bảo Nguyên quân Trần xử sĩ
Nhạn khuya một tiếng hết đêm mù.
(Hòa thượng Thanh Từ dịch)
Bốn câu đầu nói về tính Chân, bộ mặt thật y nhiên vượt thời không, cho dù Thiếu Thất chín năm không nói hay Hoàng Mai một lời cũng chỉ là tạm dùng đưa người qua sông. Hai câu kế nói khi đạt đến chỗ dứt niệm thì thân, khẩu tự an, mỗi lời nói không cần suy tính mà vẫn lợi ích. Lời nói đại diện cho thân ý, lời đã thiện lành thì mình người hết đau khổ. Từ thể chân thực phát ra dụng tốt đẹp. Một câu cuối mượn hình ảnh chim nhạn bay qua trời sương để nói lên vẻ đẹp của cuộc sống. Một cuộc sống thức tỉnh đầy an lạc. Thiền vốn không thích giảng diễn, nói dài dòng như thế chỉ e không trúng ý cổ nhân. Nhưng không mượn ngôn ngữ thì làm sao cảm thông được nét đẹp của thiền.
Trong đầu thập niên 70, có một cõi thiền rất thu hút, tu viện Chơn Không, Núi Lớn – Vũng Tàu. Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, những người đã từng ở đó vẫn thấy một nỗi niềm khôn nguôi. Không có gì nhiều, nhưng mộng ước bình sinh được thấy ở nơi này. Nếu so sánh với các thiền viện hiện tại thì Chơn Không thời đó không bằng, nhưng tự nó toát ra một vẻ nguyên sơ tinh khôi, cái đẹp như là sau những khi lội suối băng rừng người ta thấy một chùm hoa lan trên cành cây cổ thụ. Leo hết những con đường dốc, đi dưới bóng cây khuynh diệp lá thon, luôn reo đùa đón mừng người lạ lẫn người quen. Qua chiếc cổng tu viện, bước vào thế giới yên tĩnh lạ kỳ. Những cây bông sứ rải rác quanh các phiến đá, mô đá cao thấp không đều, bông sứ trắng rụng trên đá cũng không nói lời chi. Cứ nhìn rừng hoa rụng, người ta lại nhớ bài thơ của Trần Quang Triều đề chùa Gia Lâm. Bài thơ có hai câu kết như sau:
Khách khứ Tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương.
Khách về Tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn.
Không ai nói gì nhưng khách cứ tần ngần khi bước qua khung sân hoa rụng. Lòng tự hỏi phải chăng đây là cõi thiền mơ ước mà mình chưa đặt chân vào được? Những năm tháng miệt mài trường lớp, ngôn ngữ nhiều nhưng tận thâm sâu vẫn thấy thiếu một nơi chốn quay về.
Mình chưa là thiền sư
Giả vờ cầm gậy trúc
Mơ hồ câu tham vấn
Ý chỉ Phật như hà?
(Tuệ Đăng)
Một đôi khi ở tạm dưới các cốc thất quanh đó, giả vờ cầm cây gậy chống cộp cộp qua mấy đường đá cheo leo. Một cây gậy chẳng khiến mình thành thiền sư được, nhưng ở đây ai cũng chống gậy. Đá núi bấp bênh phủ rêu trơn, cỏ dại mọc tràn không thấy rõ lối đi. Đường Thạch Đầu, đường Đại Mai có dáng Thầy uy nghiêm dẫn lối. Đồi Tự Tại lúc chiều xuống lúc trăng lên, bóng thiền tăng áo vàng thung dung. Mộng hay thực? Phải tham dự những pháp hội thiền, để nghe pháp âm từ Thầy thấm nhuần những tâm hồn khô khao, để biết rằng rốt cuộc đời mình đã gặp một chốn thiền thật sự.
Ta thoáng thấy thiên đường không mặc cả
Bến nước này, xin rũ áo đi rong.
(Như Thủy)
Mỗi lần về Chơn Không, bạn bè thường gọi là về miền đất hứa, về Thánh địa tâm linh, bởi vì sau mỗi lần lên núi học đạo, ai cũng thấy tâm mình tươi mới sạch bong. Mang theo mộng ước kiểu kiếm hiệp Kim Dung, hẹn sẽ luyện võ công cho đến mức thượng thừa, mọi con đường phố thị, mọi si mê thời trẻ dại xin chào! Hăm hở nhiệt thành theo đúng nội quy, không giữ tiền, không đọc sách báo, không ăn phi thời. Chặt củi gánh nước ư? Đó là học theo gương Lục tổ Huệ Năng. Ngồi thiền chăm bẵm là để giải quyết sanh tử. Ngữ lục, khẩu quyết đem theo, để gặp tình huống giở ra giải quyết. Một thời sống như thơ. Cho đến đoạn đường từ Chơn Không sang Bát Nhã, tội nghiệp chẳng có cây tùng cây thông, chỉ có vườn chuối lá xanh um và cỏ tranh bạc màu, vậy mà cũng được đặt cho cái tên rất văn vẻ “Ba Tiêu Lộ”. Thầy cũng biết những đứa tâm viên ý mã này khó bề nhốt trọn, nên uốn nắn chừng chừng.
Hơn hai mươi năm sau của Chơn Không, một thiền viện theo ý nguyện của Thầy ra đời, tiếp nối mạch thiền càng thêm khởi sắc. Trúc Lâm Đà Lạt, một chốn có thể sánh vai với các thiền viện đẹp trang nghiêm. Chợt nghĩ đến Lô Sơn có nhiều tu viện, sương sớm ráng chiều u tịch, nhưng nổi danh vì có các cao nhân ẩn sĩ.
Vi văn Lô nhạc đa chân ẩn
Cố tựu cao nhân đoạn túc phan.
Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ
Thượng hiềm thế phát hữu thi ban.
Tô Đông Pha nói rằng ông nghe ở Lô Sơn có nhiều chân nhân ẩn tích, tìm đến đó là để đoạn dứt những mớ bòng bong rối rắm nhiều đời. Cũng rất vui vì chốn thiền không nhiều lời. Có thể ông sẽ xuống tóc để làm Tăng ở Lô Sơn, nhưng còn cõi thơ, người thơ tính sao đây?
Người vào Trúc Lâm học đạo thiền cũng chỉ muốn một đao đoạn dứt. Tuy không ra gươm kiếm nhưng trí tuệ lơ là cũng gọi uổng công phu. Bên cạnh hồ Tuyền Lâm, dáng núi đồi cao hút xa. Không cần phải hẹn ước như nhà thơ Tô học sĩ:
Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ
Cử đầu tam thập lục thanh sơn.
Rốt cuộc ta sẽ cùng mở cửa bắc
Nhìn lên ba mươi sáu núi chập chùng.
Cánh cửa ở đây một khi khai mở thì y nhiên ở nhân thế hoa đã lộng lẫy rồi. Đến với thiền qua nét đẹp của rừng cây thông, của tu viện mái cong trôi bồng bềnh sương khói, của đường hoa cỏ mượt mỗi sáng mỗi chiều. Từ cái đẹp đó khai mở cho cái đẹp của tâm. Khi mọi thứ đa đoan muộn phiền đặt xuống, đời sống bỗng nhiên an lành. Những xáo trộn ưu tư dần dần lắng, nhìn ra mình và người có sự cảm thông, nét Thiện đã tỏ lộ. Với thiện nghiệp trong sạch, càng tu càng sáng tỏ thì chân tâm ngay đấy không xa. Quá trình tu học bắt nguồn như thế, theo con đường từ Mỹ – đến Thiện – rồi Chân. Ngẫm nghĩ lại hình ảnh của Chơn Không ngày xưa, sức thu hút đầu tiên của một thời tuổi trẻ là nét đẹp của thiền.