Giọt Dầu Cúng Phật.

Biên tập bởi

Một câu chuyện có thật được Phật Pháp mang lại điều nhiệm màu mà một Phật Tử nhờ đăng bài muốn chia sẻ lan tỏa đến với mọi người , mong mọi người hãy tin sâu vào nhân quả, và càng tin sâu hơn nữa vào Phật Pháp , Mọi người cùng nhau lắng nghe câu chuyện bên dưới đây :
Giọt Dầu Cúng Phật.
Trong thời đức Phật còn tại thế, có một bà lão hành khất với lòng thành kính tinh khôi, đã dành hết số tiền được bố thí còm cõi để mua dầu thắp đèn cúng dường đức Phật khi nghe tin Ngài và tăng đoàn lưu trú tại tinh xá Kỳ Hoàn.
????????????????????????????????????
Khi mặt trời tỏ rạng, Tôn giả Mục Kiền Liên, một người được xem là đệ nhất thần thông trong số mười đại đệ tử của đức Phật, vâng lời Ðức Phật đến tắt tất cả các ngọn đèn trước sân tinh xá nơi đức Phật lưu trú kể cả của Vua A Xà Thế, và các thương gia giàu có trong thành Xá Vệ cúng dường.
Mọi ngọn đèn đều tắt tuy nhiên, riêng chỉ có ngọn đèn của bà lão thổi ba lần cũng không tắt được, sau Tôn Giả dùng thần thông, lấy áo cà sa mà quạt, ngọn đèn lại đỏ rưc rỡ hơn. Lấy làm lạ, ngài Mục Kiền Liên đến thưa Đức Phật, Ðức Phật mới nói rằng:” Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của người mà trừ diệt được”.
Từ những giọt dầu mua được từ những đồng xu được bố thí, nhưng với tín căn vô lượng của bà lão ăn mày đã làm cho ánh sáng của ngọn đèn dầu của bà trở thành “hào quang công đức” của một vị Phật tương lai..
Trong kinh “Phật Vị Thủ Già Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh” có nói đến một trong những công đức của việc dâng cúng dầu đèn, ngoài việc phát triển tuệ giác còn có những công đức khác như “Nhục nhãn bất hoại: Người cúng đèn mắt luôn luôn sáng, không hư hoại, không mù”. Hơn thế nữa, có những hiện tượng trong thời đại của chúng ta, mà khoa học hiện đại cũng không thể lý giải như hiện tượng Trái Tim Bất Hoại của Bồ Tát Thích Quảng Đức sau khi tự thiêu trong cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật Giáo năm 1963 tại miền Nam để đòi quyền bình đẳng tôn giáo.
Câu chuyện trên làm tôi liên tưởng đến câu chuyện cúng dường đèn và dầu của mẹ tôi cho một ngôi chùa ở miền Trung vào những năm 1960. Đó là chùa Tỉnh Hội nằm trong khuôn viên của Tổ đình Long Khánh, thành phố.Qui Nhơn.
Chùa Tỉnh hội là nơi các phật tử họp bàn các công việc phật sự của giáo hội tỉnh, chùa thường có những khóa lễ nhật tụng vào mỗi tối, các buổi lễ cầu an hay cầu siêu cho thân nhân gia đình của các phật tử. Các sư chủ trì các thời kinh ở đây cũng thường là các nhà sư ở Tổ đình Long Khánh qua làm chủ lễ.
Nhân sự kiện chùa an vị tôn tượng đức Dược Sư trên chánh điện, quí thầy và ban đại diện phật tử kêu gọi các đạo hữu cúng dường tài vật để làm một dàn đèn dược sư. Đèn dược sư được thiết kế như một nụ hoa sen với 49 ngọn thắp bằng dầu hỏa vì trong thập niên 60 này, đèn sử dụng điện năng chưa được phổ biến cho lắm.
Sau lời kêu gọi đó, mẹ tôi phát nguyện cúng dường bằng số tiền tiết kiệm kiếm được qua việc thêu thùa, đan áo dành dụm được của bà trong nhiều năm tháng.
Theo mẹ tôi kể, vào những năm 60, mẹ tôi vào khoảng 48,49 tuổi, mắt thường xuyên bị chảy nước mắt sống, có đi bệnh viện tỉnh khám chữa mắt nhưng cũng không khả quan hơn nên nhìn gì cũng bị nhòe như có lớp sương mờ rất khó chịu. Mẹ nói khổ nhất là khi đi chùa, đọc kinh rất khó khăn, chữ mất chữ còn vì nước mắt cứ ứa ra, không nhìn rõ mặt chữ, mà kinh, chú thì được viết bằng Phạn ngữ, Hán tự do thời điểm này kinh sách chưa được Việt hóa nhiều nên rất khó thuộc.
Thế nhưng, sau một thời gian cúng dường ngọn đèn Dược Sư, đôi mắt mẹ tôi “tự nhiên” dần sáng hẳn ra, nước mắt sống thôi chảy mà chẳng cần đến thuốc men chữa trị, thứ duy nhất mẹ tôi dùng là nước muối pha loãng để rửa mắt hàng ngày. Tôi nghĩ đây là sự cảm ứng do lòng thành tâm của mẹ tôi đối với Tam bảo mà được gia hộ, và chính mẹ tôi cũng chẳng hề nghĩ đến hiệu lực của công đức trong việc cúng đèn dầu cho Tam bảo..
Và từ đó, mắt mẹ tôi luôn sáng tỏ bất chấp quy luật lão hóa của thời gian. Mẹ tôi vẫn đọc được sách báo và kinh sách hàng ngày mà chẳng cần phải mang kính lão, thậm chí còn tự xâu kim để may vá một mình! Ngoài sự kỳ diệu của đôi mắt, tinh thần mẹ tôi còn rất minh mẫn cho đến tận giờ phút nhẹ nhàng từ giã cõi đời khi đã gần tròn trăm tuổi.
Liên tưởng đến câu chuyện bà lão hành khất và chuyện của mẹ tôi, có lẽ rất nhiều người cũng cảm nhận được sự gia trì của chư Phật, chư vị Bồ Tát nhưng mỗi người cảm nhận theo từng hoàn cảnh riêng của mình. Riêng mẹ tôi, bà có niềm tin sâu sắc đối với Tam bảo, những năm tháng tuổi già sức yếu, không còn đi chùa được, bà vẫn trì tụng kinh chú hàng ngày trong gian phòng thờ, và thường nhắc nhở chúng tôi siêng làm các việc lành, tránh làm những điều dữ, giữ giới để bảo hộ thân tâm.
Sự mầu nhiệm của Phật Pháp không chỉ mầu nhiệm đối với mẹ tôi khi Người còn tại thế, mà còn thể hiện khi gia đình tôi làm tang lễ cho bà. Để tổ chức tang lễ, gia đình tôi có mời ban hộ niệm của một ngôi chùa gần nhà, không mời các đội kèn trống, không đốt vàng mã để theo đúng chánh pháp của nhà Phật nên đám tang tưởng chừng như diễn ra trong yên lặng, nhưng “bỗng dưng” có mấy nhà sư, tuy không quen biết, nhưng cũng vào thắp hương, cầu siêu cho bà. Không chỉ là một mà có đến mấy nhà sư khác tưởng như “vô tình” đi ngang qua cũng vào làm lễ cầu siêu cho bà trong thời gian diễn ra tang lễ.
Ngẫm lại chuyện bà lão ăn xin trong tích xưa và câu chuyên của mẹ tôi đời nay để nghiệm thấy rằng sự nhiệm màu của Phật Pháp là vô biên, vượt mọi không gian và thời gian, và tôi viết những dòng chữ này để mong sao, từ một duyên lành nào đó, có những ngôi chùa quạnh quẽ trong bóng đêm được thắp sáng bởi những giọt dầu, những mảnh đời cơ nhỡ được chiếc áo ấm mùa đông, người nông dân được chén cơm no lòng trong mùa ruộng đồng thất bát, và những giọt máu hồng cho những ai cần máu đang khắc khoải trong bệnh viện.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.