Học Theo Đức Phật: Nghĩ Về Hạnh Đầu Đà

Biên tập bởi

Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.

Trước đó, Thầy đã vào một ngôi chùa trong hai năm, rồi thấy không phù hợp, nên chọn pháp tu bước đi không ngừng này. Thầy nói rằng Thầy không phải nhà sư, mà chỉ là một người học theo lời Đức Phật dạy. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam xác nhận rằng Thầy Minh Tuệ không phải là thành viên. Thầy đã trở thành đề tài cho nhiều bài viết, tranh vẽ, khắc tượng, thư pháp, thời trang. Bài viết này sẽ thử nhìn vào các vấn đề liên hệ nhưng chưa được thảo luận.

Trước tiên, xin nói rằng, người viết rất mực ngưỡng mộ những việc khó làm của Thầy Minh Tuệ. Trước giờ chúng ta chỉ đọc qua trang sử về những vị như thế, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy qua ống kính YouTube trực tuyến như hôm nay. Phải có sức khỏe, phải kham nhẫn, phải kiên tâm. Tôi không có thần thông để có thể đánh giá bất kỳ vị nào đã tu tới đâu, đã tu tới mức nào. Nơi đây chỉ bày tỏ lòng khâm phục về những chuyện khó làm của Thầy: những bước chân của Thầy là tiếng trống của Pháp, là lời thúc giục tinh tấn.

Tôi có một vị sư thúc từng tu hạnh đầu đà, nhưng tôi chưa từng gặp ngài: Thiền Sư Như Cự Thích Viên Chiếu là một người đã từng tu hạnh đầu đà, và đã viên tịch năm 1943 trên một ngọn núi ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Tiểu sử của ngài Viên Chiếu có ghi nơi các trang 37-39 trong sách “Thiền Sư Nhẫn Tế: 80 Năm Kỷ Niệm Tây du Phật quốc.” (1)

Ngài Thích Viên Chiếu (1892 -1943) từ Huế đi vào Nam tìm minh sư, trước khi gặp Thiền Sư Minh Tịnh Nhẫn Tế tại nơi bây giờ là Chùa Tây Tạng Bình Dương, đã phát nguyện: “Tôi tiếp tục xa xứ tìm thầy để học đạo. Tôi sẽ đi bất cứ đâu kể cả Campuchia, Thái Lan… Khi nào tìm được thầy mới thôi. Nếu không tìm thấy thầy giỏi tôi sẽ tu non, tu ẩn theo hạnh Đầu Đà.”

Thời đó, không có xe như bây giờ. Sách ghi rằng: “Từ kinh thành Huế, ngài băng rừng vượt suối vào đến tận Sài Gòn mong tìm được minh sư. Lội bộ không giày, không dép với túi muối ớt sả khoảng gần vài ký, đi tới đâu khất thực tới đó (ngài chỉ dùng cơm với muối ớt sả), đêm Ngài ngủ nơi gốc cây tại các chùa. Cùng đi có sư đệ Như Thượng quê ở An Xuân, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Vào tới Sài Gòn, sư đệ Như Thượng ở lại Sài Gòn. Còn Ngài lại đi sang Campuchia, qua Thái Lan. Ngài vẫn không tìm được thầy theo ý nguyện mình, Ngài quay lại Sài Gòn năm 1937, với ý định cùng với sư đệ có dịp sẽ qua Tây Tạng học đạo

Duyên may cùng thời gian ấy, Hòa thượng Lạt ma Chơn Phổ – Nhẫn Tế du học Tây Tạng vừa trở về trú trì chùa Thiên Chơn, thuộc ấp I An Thạnh (Búng) thuộc huyện Thuận An, Bình Dương ngày nay. Ngài Như Cự cùng với huynh đệ Như Thượng đến đảnh lễ Hòa thượng Chơn Phổ – Nhẫn Tế cầu pháp . Được Hòa thượng Chơn Phổ Nhẫn Tế tiếp độ, Ngài Như Cự ở đó tu học, cùng một sư huynh nữa là Như Trạm cùng quê với sư đệ Như Thượng ở An Xuân, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Sau gần bốn năm tu học với Ngài Thub ten Osall Lama (pháp danh Hòa thượng Nhẫn Tế được Lạt ma quốc vương Tây Tạng ban vào năm 1936) Ngài và các huynh đệ được ban hiệu Như Cự (Viên Chiếu), Như Thượng (Thường Chiếu), Như Trạm (Tịch Chiếu).” (1)

Ngài Viên Chiếu ở với sư phụ một thời gian. Sau đó ngài xin sư phụ Minh Tịnh ra Khánh Hòa. Ngài lên núi ở chân Hòn Lớn (vùng Suối Cát) để chuyên tu thiền định. Một ngày nọ, khi người phật tử làng Tân Hưng mang thức ăn đến tận nơi thì thấy Ngài đã thị tịch trong tư thế hành thiền từ bao giờ rồi. Tin tức báo về làng Ngài đã viên tịch đắc đạo ở Suối Cát (Ninh Hưng). Ngài tịch trong tư thế thiền định trên tảng đá, có tảng đá lớn che nhục thân Ngài. Vì vậy làng cho phép phật tử địa phương bê ra lau rửa nhục thân Ngài và đặt Ngài y chỗ cũ. Sau đó, phật tử, dân chúng đắp áo cà sa (hậu vàng) cho Ngài. Rồi dân chúng mỗi người thu nhặt đá mé suối đắp thành bảo tháp cho Ngài.

Do vậy, tôi chỉ có duyên học Pháp trực tiếp từ bổn sư là Thầy Tịch Chiếu, và sư thúc Thường Chiếu. Đó là những ơn rất lớn. Bây giờ, tới chặng cuối cuộc đời, khi nhìn lại, tôi biết ơn được học đạo, được hỏi kinh với hai vị Thầy trong hai trú xứ — Chùa Tây Tạng Bình Dương, nơi Thầy Tịch Chiếu trụ trì; Chùa Huê Lâm, nơi Thầy Thường Chiếu trụ trìNếu không có những mái chùa như thế, sẽ không có một Phật giáo như hôm nay ở quê nhà. Và đồng thời, khi nghĩ tới các vị sư tu hạnh đầu đà, lòng tôi luôn luôn nhớ tới Sư Thúc Viên Chiếu, và tự thấy được thúc giục tinh tấn. Tất cả các vị sư chân tu đều là các cột trụ để hoằng pháp.

Thầy Minh Tuệ hiện nay đang mang hình tướng của một cư sĩ, và trong tâm Thầy có thể là một vị đã có chứng đắc (điều mà tôi không biết, nơi đây chỉ nêu giả thuyết). Nên thấy, một vị cư sĩ có chứng ngộ, có chứng đắc là điều bình thường trong nhà Phật. Kinh Phật kể rằng, có hai người chưa trở thành cư sĩ (nghĩa là chưa quy y), nhưng chỉ sau vài câu nói của Đức Phật là đắc quả A La Hán: đó là ngài Bahiya (một du sĩ từ phương xa tới hỏi đạo), và ngài Uggasena (chàng nghệ sĩ xiếc, chứng quả ngay khi còn trên trụ biểu diễn giữa chợ). Và 32 vị trí thức Bà La Môn từ xa tới hỏi đạo, cũng đắc quả A La Hán chỉ sau vài câu nói, và được ghi trong 32 bài Kinh trong Kinh Tập, Phẩm Tám và Phẩm Qua Bờ Bên Kia.

Do vậy, không nên chấp vào hình tướng mà phán đoán về hành trình của tâm thức. Trong thời Đức Phật, chuyện cư sĩ đắc quả A La Hán là điều bình thường, tới nổi không mấy người thắc mắc như chúng ta hiện nay. Trong Kinh AN 6.120-139, Đức Phật kể tên 20 cư sĩ đã “đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tửchứng ngộ được bất tử,” tức là chứng quảA La Hán. Kinh này, trích bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

“—Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, gia chủ Bhallika… gia chủ Sudatta Anàthapindika… gia chủ Citta Macchikàsandika… Hatthaka Alavaka… Mahànàma Sakka… gia chủ Ugga người Vesàlì… gia chủ Uggata… Sùra Ambattha… Jivaka Komàrabhacca… gia chủ Nakulapità… gia chủ Tavakannika…gia chủ Pùrana… gia chủ Isidatta… gia chủSandhàna… gia chủ Vijaya… gia chủ Vajjiyamahito… gia chủ Mendaka… cư sĩ Vàsettha… cư sĩ Arittha… cư sĩ Sàragga đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tửchứng ngộđược bất tử. Thế nào là sáu?” (2)

Có luận thư nói rằng, người cư sĩ có thể tu tới đắc quả Bất Hoàn (Anagami). Một số cư sĩ có thể đạt được quả vị A La Hán, chỉ khi cận kề cái chết hoặc ngay trước khi xin gia nhập Tăng đoàn, phải xuất gia trong vòng 7 ngày. Luận thư nói thế, nhưng hình như không có kinh nào ghi lời Đức Phật nói như thế.

Còn như trường hợp cư sĩ đắc quả Bất Hoàn thì nhiều vô số kể, theo Kinh MN 68 và Kinh MN 73. Nơi đây, chúng ta dẫn lời Đức Phật nói trong Kinh MN 73, qua bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa.” (3)

Nơi đây, với lòng tôn kính, tôi xin góp ý với Thầy Minh Tuệ rằng, những gì Thầy đã làm đều rất là tuyệt vờihy hữuTuy nhiênsức khỏe thân người có hạn, sẽ tới lúc Thầy bệnh. Thêm nữa, Đức Phật không khuyến khích đi bộ đường dài. Trong Kinh, chúng ta thường đọc thấy rằng, Đức Phật nói: “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật.” Nghĩa là, Đức Phật muốn chư tăng tìm một trú xứ để tu Thiền định.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm EA 33.7 (tương đương trong Tạng Pali là hai Kinh AN 5.221 và AN 5.222), Đức Phật dạy qua bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng:

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ: Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Người du hành trường kỳ có năm sự khó. Sao gọi là năm? Ở đây, người thường du hành không tụng giáo phápgiáo pháp đã tụng thì bị quên mất; không được định ý; tam-muội đã được lại thoái thất; nghe pháp nhưng không thể hành trì. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người du hành nhiều có năm việc khó này.

“Các Tỳ-kheo nên biết, người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ đắc, pháp đã đắc rồi lại không quên mất, nghe nhiều mà ghi nhớ được, có thể đắc định ý, đã đắc tam-muội rồi không bị mất. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, không nên du hành nhiều. Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy.”(4)

Tới đây, chúng ta chúng ta có thể nhớ rằng, Kinh Phật có ghi về vị Thần Y tên là Kỳ Bà(Jivaka). Thần Y Kỳ Bà đã chăm sóc sức khỏe Đức Phật thế nào? Hiển nhiên, ngài Thần Y muốn Đức Phật khỏe mạnh, không bệnh, và ngồi trong một tu viện. Bởi vì, mưa rơi, gió thổi, sương đêm, rừng lạnh… tất nhiên sẽ làm hao mòn sức khỏe của người du hành.

Tiểu sử Thần Y Kỳ Bà nơi đây tóm lược theo Buddhanet và Wikipedia, sẽ cho thấy cách chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật và chư Tăng thời xưa. Ngài Jivaka là bác sĩ của Đức Phật. Jivaka là bác sĩ nổi tiếng nhất ở Ấn Độ vào thời Đức PhậtNgay sau khi chào đời, Jivaka được mẹ cậu, một kỹ nữ, đặt vào một chiếc hộp gỗ và quăng vào đống rác ven đường. Bản Pali ghi rằng cùng buổi sáng bé Jivaka bị bỏ rơi, hoàng tử Abhaya, con trai của vua Bimbisara, tình cờ đi ngang qua bãi rác trên đường về cung điện. Khi hoàng tử nhìn thấy em bé vẫn còn sống, ông đã động lòng thương xót và ra lệnh nhận bé Jivaka làm con nuôi. Theo dị bản tiếng Sanskrit và các bản dịch tiếng Tây Tạng đầu tiên theo truyền thốngMūlasarvāstivāda nói rằng ngài Jivaka sinh ra là con ngoài giá thú của Vua Bimbisāra và một phụ nữ ẩn danh. Điểm chung của tất cả các tiểu sử đều cho thấy rằng Jivaka tuy là con nuôi của một hoàng tử, nhưng được yêu quý rất mực.

Khi lớn lên, ngài Jivaka học y khoa bảy năm dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy nổi tiếng. Chẳng bao lâu sau, kỹ năng khác thường của Jivaka với tư cách là một bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật đã được biết đến. Jivaka được yêu cầu chữa trị cho các vị vua và hoàng tử, trong đó có cả vua Bimbisara. Nhưng trong số tất cả những người nổi tiếng mà Jivaka đã chăm sóc y tế, niềm vui lớn nhất của Jivaka là được đến chăm sóc Đức Phật, điều mà Jivaka đã làm 3 lần một ngày.

Thần Y Jivaka đã chăm sóc Đức Phật bằng nhiều cách. Khi Devadatta ném đá xuống để hại Đức Phật, và làm bị thương bàn chân của Đức Phật, chính Jivaka đã chữa lành cho Đức Phật.

Nhận thấy lợi ích của việc có một tu viện gần nhà, Jivaka đã xây dựng một tu viện trong vườn xoài của mình. Jivaka đã mời Đức Phật và các đệ tử của Đức Phật đến tu việnbố thí và dâng tặng tu viện cho Đức Phật và chư Tăng. Sau buổi lễ gia trì của tu viện này, Jivaka đã đạt đến giai đoạn đầu tiên của thánh quả (sotapanna: dự lưu).

Sau đó, khi vua Ajatasattu hỏi ông có thể đi đâu để nghe giảng về Chánh pháp, chính Jivaka đã đưa vua đến gặp Đức Phật. Mặc dù nhà vua đã giết phụ thân theo lời khuyên tệ hại của Devadatta, nhưng vua Ajatasattu sau đó đã trở thành một cư sĩ xuất sắc của Đức Phật và đã hỗ trợ Hội đồng Phật giáo đầu tiên (First Buddhist Council) sau khi Đức Phật nhập diệt.

Tới đây, có thể nêu câu hỏi, để học theo Đức Phậtchúng ta nên suy nghĩ thế nào? Nên tôn kính cả tăng ni và cư sĩ, vì ai cũng có thể đắc quả thánh. Nên tôn kính các vị tu hạnh đầu đà, và tôn kính cả các vị đang cư trú trong các tự viện gần thị trấn. Đức Phật có dạy hạnh đầu đà(mà ngài Ca Diếp là đệ nhất), nhưng không muốn chư tăng du hành đường dài, mà chỉ muốn chư tăng du hành từ nơi ẩn cư, xuống núi, vào làng xóm để khất thực. Lời Đức Phật thường dạy nhất là, hãy tìm góc rừng, gốc cây, nhà trống mà tu Thiền định. Ngài Thần Y Jivaka, trong cương vị bác sĩ,  đã xây tu viện trong khuôn viên vườn để dâng cúng Đức Phật, và đã tới vấn an sức khỏe Đức Phật nhiều lần mỗi ngày, nghĩa là, lo cho sức khỏe là cần quan tâm hàng ngày.

Bài viết này hoàn toàn không có ý tranh luận. Chỉ là trích dẫn lời Đức Phật dạy để tùy nghimỗi người tự thích ứng, sao cho lợi mình, và lợi người.

Nguyên Giác

(California, tháng 5/2024)

GHI CHÚ:

(1) Sách “80 Năm Kỷ Niệm Tây du Phật quốc”: https://thuvienhoasen.org/images/file/MTemVP6V0ggQAPE8/80-nam-tay-du-ky-phat-quoc.pdf

(2) Kinh AN 6.120-139: https://suttacentral.net/an6.120-139/vi/minh_chau

(3) Kinh MN 73: https://suttacentral.net/mn73/vi/minh_chau

(4) Kinh EA 33.7: https://suttacentral.net/ea33.7/vi/tue_sy-thang