, ,

Ngôi chùa không có hòm công đức ở Bắc Ninh

Ni trưởng chùa Tiêu- Thích Đàm Chính đã tiết lộ lý do các ban thờ trong chùa không có hòm công đức.
 Chùa Thiên Tâm (hay còn gọi là chùa Tiêu) nằm trên lưng chừng núi Tiêu, xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Thiên Tâm (hay còn gọi là chùa Tiêu) nằm trên lưng chừng núi Tiêu, xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ðây là nơi thiền sư Lý Vạn Hạnh – người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn (vị vua đầu tiên của triều Lý) trụ trì và viên tịch. Chùa Tiêu cũng được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.

Ngôi chùa chưa một lần đặt hòm công đức

Ghi nhận của phóng viên, qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa nhưng chùa Tiêu vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính. Tại các ban thờ trong chùa không có bất cứ một hòm công đức nào. Bên trên ban thờ chỉ có hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang.

Ni trưởng chùa Tiêu- Thích Đàm Chính (90 tuổi), người ở xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhiều ngôi chùa ở miền Bắc hiện nay đều có hòm công đức lớn, nhỏ nhưng ở chùa Tiêu thì không bao giờ có.

“Tôi về trông coi chùa Tiêu đã 51 năm. Từ lúc tôi về đây đã không thấy có hòm công đức nào rồi. Cũng kể từ đó, tôi duy trì việc này cho đến bây giờ. Người dân đến chùa chỉ thực hiện văn hóa “giọt dầu”, tức là chỉ mang hoa quả hoặc bánh kẹo cùng với tấm lòng thiện tâm”, sư cụ Đàm Chính nói.

 Các ban thờ ở chùa Tiêu không có bất cứ một hòm công đức nào

Theo sư cụ Đàm Chính, nhà chùa không đặt hòm công đức là bởi vì không có người trông nom hòm công đức và giữ gìn số tiền phật tử, người dân tiến cúng. Thêm nữa, sư cụ Đàm Chính lo ngại số tiền người dân công đức vào chùa có thể bị đánh cắp hoặc người nào đó mang đi sử dụng không đúng mục đích.

Sư cụ Đàm Chính chia sẻ thêm, nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho chùa. Còn khi xây dựng xong hoặc không xây dựng gì thì nhà chùa không nhận bất kỳ tiền công đức nào của ai.

“Năm 2017, chúng tôi cũng xây dựng nhà thờ tổ thiền sư Lý Vạn Hạnh hết hơn 3 tỷ đồng. Số tiền này đều do các phật tử, người dân tiến cúng cho nhà chùa. Sau khi xây dựng xong nhà thờ tổ, cũng có một số cá nhân muốn tiến cúng tiền tiếp cho nhà chùa nhưng chúng tôi không nhận. Bởi vì, nhà chùa xây xong rồi thì không nhận thêm tiền của người dân, chư phật tử”, sư cụ Đàm Chính nói thêm.

 Người dân đến chùa Tiêu dâng hương cùng với tấm lòng thiện tâm

Tìm thấy pho tượng táng gần 300 tuổi trước tòa Tam Bảo

Ni trưởng Thích Đàm Chính cho biết thêm, cách đây hơn 60 năm, ở ngôi tháp trước tòa Tam Bảo có cốt một nhà sư. Qua khe gạch nứt vỡ, người dân đã nhìn rõ hình hài pho tượng táng (người viên tịch nhưng vẫn còn giữ nguyên hình thể).

“Tuy nhiên, sau do chiến tranh và sợ tòa tháp bị ảnh hưởng, nhà chùa đã xây bịt cửa tháp. Và đến năm 2014, được sự đồng ý của chính quyền địa phương cửa tháp đã được mở ra. Sau đó, thông qua một số chi tiết và các chữ Hán đã xác định được nhục thân trong ngôi tháp này là Hòa thượng Như Trí (sống cách đây 300 năm)”, ni trưởng Đàm Chính kể.

Nhà thờ tổ thiền sư Lý Vạn Hạnh được xây dựng vào năm 2017.

Theo Ni trưởng Đàm Chính, hòa thượng Như Trí là người có công trùng san và in nhiều bộ sách Phật học, trong đó có “Thiền uyển tập anh” – cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Tác phẩm không những có giá trị về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyền kỳ có giá trị về văn học, triết học và văn hóa dân gian.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)