Có rất nhiều câu chuyện tâm linh khó giải đáp khiến chúng ta không thể phủ nhận việc tồn tại linh hồn. Vậy linh hồn được lý giải như thế nào? Làm thế nào để vong linh được siêu thoát?
Linh hồn có thực sự tồn tại?
Qua những câu chuyện tâm linh kỳ bí, chúng ta biết rằng, có tồn tại linh hồn. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta không dùng từ “linh hồn” vì cụm từ này gắn liền với sự cố định, không thay đổi. Ví dụ khi nói “hồn trâu” thì phải có hình dáng con trâu, hay “hồn người” thì có hình dáng con người. Nhưng sự thật không phải vậy!
Bởi khi con người thoát xác thì phần hồn sẽ khác, không phải hoàn toàn giống như con người lúc sống. Cho nên, đạo Phật không gọi là “linh hồn”, mà gọi là “thần thức” hay “thần hồn” vì nó có sự biến đổi.
Sau khi chết, “thần hồn” đi về đâu?Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rằng, nếu một người sau khi mất có phước báu lớn, đã tu tịnh nghiệp (ba nghiệp được thanh tịnh) hoặc chứng đắc những pháp tu của Phật Pháp thì người đó có thể sinh về các cảnh giới của chư Phật.
Nếu khi còn sống, người đó tu được mười việc thiện, cả đời hành thập thiện hoặc tu tập, giữ đầy đủ, tinh nghiêm giới Bát Quan Trai một ngày một đêm thì có thể sau khi mất, “thần thức” của người ấy sẽ được sinh lên cõi Trời.
Còn có một hạng người nữa là khi còn sống, tạo các tội cực nặng: giết cha mẹ, giết các bậc Thánh hiền, phá hòa hợp chúng Tăng, đập phá chùa chiền, thiêu đốt kinh tượng,…thì sau khi chết, “thần hồn” người đó sẽ đọa ngay xuống địa ngục.
Còn lại hầu hết các vong linh sẽ chờ để tái sinh chuyển kiếp trong vòng 49 ngày. Sau 49 ngày này, vong linh sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: cõi Trời, cõi Thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và địa ngục.
Làm thế nào để vong linh sinh vào cảnh giới lành?
Theo kinh Địa Tạng, trong 49 ngày kể từ khi chết,“thần hồn” ở một dạng vật chất gọi là “thân trung ấm”. “Thân trung ấm” giống như người lúc còn sống nhưng nhỏ hơn và rất nhẹ. “Thân trung ấm” cũng có thể coi là một dạng ngạ quỷ, vong ma, vong linh, vong hồn…
Cũng trong 49 ngày này, vong linh của người mới mất vẫn có thể đi lại như sóng điện, xuyên tường, xuyên vách. Vong linh thường quanh quẩn ở nhà, ở những nơi lúc sống thường thích đến hoặc đi ra chỗ từng chết; chui vào mộ xem xác thân của mình phân huỷ, thối rữa thế nào…
Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, nếu thân nhân, quyến thuộc tích cực làm phúc cho vong linh người đã mất: tụng kinh, lễ Phật, cúng dường, bố thí, phóng sinh, cầu siêu… và lấy công đức đó hồi hướng cho vong linh thì không những họ được tiêu tội mà còn được tái sinh lên cảnh giới cao quý.
Như trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, phẩm thứ 7 – Lợi ích cả kẻ còn người mất có nói: “Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong 49 ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc sanh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích”
Cho nên, trong 49 ngày đối với người đã mất là rất quan trọng. Bởi khi ấy, vong linh trông chờ, mong ngóng phúc báu từ người dương thế hồi hướng đến cho họ. Vì thế, thân nhân, quyến thuộc còn sống nên chăm chỉ làm những việc phúc báu để hồi hướng cho vong linh, nguyện mong vong linh nhận được phúc lành để tái sinh vào cảnh giới an lành.
Qua bài viết trên, mong rằng, Phật tử sẽ phát khởi và tăng trưởng tâm kính tín Tam Bảo bởi Tam Bảo là ruộng phước tối cao quý, nếu ai nương tựa và gieo trồng hạt giống thiện lành thì chắc chắn sẽ nhận được những quả tốt lành.