Trên đường đi làm về con đã tự hỏi mình như thế vào những ngày đầu tháng Tư!
Mùa Đản Bụt bắt đầu, những mái già lam với ngọn cờ ngũ sắc tung bay. Tôn tượng Đức Thích Ca – bậc cha lành của đời sống tỉnh thức được những người con Bụt trang nghiêm bên đài hoa rực rỡ. Mỗi người một hạnh lành khác nhau, hoặc cùng nhau phóng sinh, bố thí, hoặc cùng nhau tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, hoặc cùng nhau về những vùng miền xa xôi giao lưu cùng các trẻ vùng cao.
Có những bạn đã không ngần ngại, bước vào những trại cai nghiện, trại giam để thực hành hạnh lắng nghe, chia sẻ và ôm ấp bằng tất cả tình thương nơi trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ dành cho bao người… Tất cả những điều đó, chúng con xin “gồm thâu lại như một tràng hoa ngát hương dâng lên cúng dường chư Bụt”, mừng ngày Bụt Đản sinh.
Và khi ngày rằm tháng Tư qua đi, cũng là lúc chư Tăng Ni hành theo lời Bụt dạy, thực hiện hạnh an cư. “An cư” – ở yên một chỗ, dành hầu hết thời gian trong ngày để thúc liễm thân tâm bằng các thời khóa công phu miên mật. Con nghe mà thấy hạnh phúc trong lòng, con biết khi nào còn có Tăng Ni tu tập thì khi đó chúng con còn có nơi để quay về, để được “soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ” trên con đường thực tập giáo pháp của Như Lai.
Và con cũng tự hỏi mình, quý Thầy Cô đã bắt đầu an cư, là người vẫn còn vướng bận những gia duyên nhưng con cũng đâu thể “đắm đuối” mãi trong cuộc mưu cầu, ba tháng này, con cũng muốn học đòi nếp sống an cư. Con tự hỏi lẽ nào chúng con chỉ có thể dừng lại ở việc yểm trợ các điểm trường hạ thôi sao. Chưa kể khả năng hạn hẹp, kém cỏi của con thì có yểm trợ được bao… con nghĩ mình còn phải thực tập bằng tất cả sự tinh cần của mình thì mới không luống uổng mỗi ngày đang trôi đi.
Song, quý Thầy Cô thì an cư ở Tu viện, còn con sẽ an cư ở đâu?
Con có nhà nhưng phần lớn thời gian lại không ở nhà, con cần một nơi mà ở đó con cũng có thời gian thực tập thời khóa của mình, có thể thời gian linh hoạt nhưng phải đảm bảo được sự thực tập dẫu là chưa miên mật nhưng cũng phải thường xuyên, lại phải đảm bảo các công tác mỗi ngày không bê trễ… hì… liệu có nơi an cư nào như thế nhỉ?
Ồ, con chợt nhận ra, con có Thầy ạ, con không những có được một nơi mà còn rất nhiều nơi như thế, đang luôn mở cửa chào đón con “về” an cư. Con rất thích bốn câu kệ của Sư ông Làng Mai đã được Thầy nhắc đến trong khóa tu Sống Tỉnh thức vừa tham dự:
“Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen”
Con cũng có thiền lộ, con cũng có chốn an cư. Sáng thức dậy, chốn an cư của con chính là nụ cười trên môi cùng bài thi kệ:
“Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”
Khi con đứng lên, sờ tay vào nắm cửa, xoay những ngón tay thì thiền lộ của con chính là tay nắm cửa ấy. Con mở cửa với tất cả sự chú tâm của mình. Cánh cửa được mở ra, những làn gió nhẹ thổi qua, chim kêu ríu rít, thiền đường khổng lồ của sự sống được hiển bày. Con hít những hơi thở thật sâu và thở ra thật chậm, “con đường thiền” của con đã mở cửa chào đón.
Con mang dép vào và bước những bước đi đầu tiên trong ngày, con đã:
“Đặt bàn chân trên đất
Là biểu hiện thần thông
Từng bước chân tỉnh thức
Làm hiển lộ pháp thân”
Cứ như thế, con bước đi như một người giàu có nhất, vào nhà vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, con thích thú nhận ra con có quá nhiều thiền đường. Nơi nào cũng uy nghiêm chào đón và gọi mời con thực tập.
“Đánh răng và rửa mặt
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm”
“Chánh niệm là đài gương
Gương soi hình tứ đại
Đẹp nhất là tình thương
Và cái nhìn rộng rãi”
Con bắt đầu lên xe, đoạn đường dài hơn 20 km đến chỗ làm là cơ hội lớn để con nhận diện bao điều mầu nhiệm của sự sống. Con thở, con lái xe cùng hơi thở của mình dẫu là rất nhiều lần thất niệm, tâm tư bay tận nơi đẩu nơi đâu, nhưng cũng không sao, con đang thực tập mà, “Ý về muôn vạn nẻo”, nhưng khi thấy ý đang ruổi rong rồi thì mời ý quay lại với chiếc xe đang bon bon trên đường thôi.
Vào đến văn phòng, thiền lộ của con chính là khi con bước tới chiếc thang máy, ấn nút và đến chỗ ngồi, thiền lộ của con còn là chiếc bàn phím màu đen nhỏ bé, những con chữ từ bàn phím đang nhảy múa không thôi. Tâm ý kết hợp cùng các ngón tay tạo nên con chữ trên màn hình, sự phối hợp nhịp nhàng đến kỳ diệu cũng là chốn để con an cư.
Và khi con an cư ở chiếc màn hình máy tính hay những buổi họp zoom, mọi việc xảy đến với con dù có nhiều, có khó khăn thì trong con vẫn luôn có đủ không gian để nhìn nhận và xử lý. Các giải pháp cũng đến với con một nhẹ nhàng và rõ ràng hơn rất nhiều.
Đôi khi các tâm hành đi lên vì những điều như ý, bất như ý quanh mình. Thay vì con nhìn vào đối tượng để phân tích, phán xét và chỉ trích hoặc để vui vẻ, thích ý, ngưỡng mộ .v.v. thì bây giờ con tập quay về quan sát chính những phản ứng của mình nhiều hơn. Con chú trọng việc quan sát và làm lắng dịu chúng thay vì phản ứng thuận theo hay chống đối. Vì tập khí sâu dày, sự thực tập còn nhiều kém cỏi nên rất nhiều khi con quên mất mình đang “an cư”, con đi lang thang trong thế giới ảo tưởng của con.
Các Thầy, Cô có rời nơi an cư hoặc lỡ quên thời khóa, còn có Sư phụ hay Huynh đệ nhắc nhở, “dẫn về”, còn con mà lãng quên thì đi xa vạn dặm. Nhưng con không nản lòng Thầy ạ, quên thì đã quên, nhưng ngay khi nhớ thì con lại về, con kiên nhẫn với chính mình, kiên nhẫn cũng là từ bi. Con xin góp nhặt từng sát-na như thế, an vui với từng sát na như thế, dẫu con đường có dài xa, dẫu mỗi bước đi chỉ là một nhón chân thật nhỏ bé nhưng con vẫn xin đi mỗi ngày vì con biết chỉ cần cất bước lên mà đi thì ngay khi đó lối sống tỉnh thức mà con đang học đòi cũng đang có mặt rồi.
Ba tháng an cư, một đời tu học là những “tuyệt phẩm” của thế gian có được nơi người xuất sĩ. Là cư sĩ, với tâm nguyện học đòi nếp sống thảnh thơi, một bước không thể vứt hết mọi gia duyên nhưng chí ít xin mang tất cả thân tâm mình quay về con đường sáng của chư Bụt đã hiển bày, cùng sự chỉ dẫn, dìu dắt, đỡ nâng của Tăng đoàn để có thể thích ý rong chơi nơi trời phương ngoại, để có thể nhẹ nhàng lướt trên sóng trần ai dẫu là chỉ trong từng sát na ngắn ngủi. Con tin chúng con có thể cũng như tin vào tất cả chúng sinh đều có thể, bởi vì ai ai cũng có đầy đủ ba ngôi cao quý nơi tự thân mình.
Rồi ba tháng an cư cũng sẽ qua, các Thầy Cô có thẻ sẽ rời điểm an cư của mình để quay về trú xứ, nhưng với chúng con, nguyện chúc sự hành trì nơi con vẫn luôn còn mãi, nguyện những thiền lộ an nhiên, uy nghiêm và tĩnh tại vẫn luôn là nơi an cư để con trở về, an trú, thảnh thơi và thong dong đi – đến!
(Viết nhân mùa An cư Phật lịch 2567)
Nguyễn Thị Cát Anh