Xu hướng nhập thế của Trần Nhân Tông
“Nhập thế” là thuật ngữ được hình thành từ Nho giáo – một hệ thống triết học mang tính thực tiễn chính trị và luân lý đạo đức rất cao. Triết học Nho giáo nhấn mạnh khía cạnh xã hội của con người. Đặc biệt nhấn mạnh đến luân lý đạo đức, coi đó là chuẩn mực và nền tảng cho mọi sự tiến bộ của xã hội phong kiến.
nhập thế là nhập vào đời sống xã hội, tùy tục trộn lẫn với nó, ở mức độ cao hơn, tích cực hơn là đóng góp, cống hiến sức mình vào sự phát triển của dân tộc, xã hội.Trong Phật giáo chính truyền không có khái niệm “nhập thế”. Ở đó chỉ có khái niệm “xuất thế”, tức là thoát ra khỏi “thế gian” (loka), hoặc ra khỏi “thế tục” (samvrti) để được giải thoát, để có thể tiến tới cõi “niết bàn” hoặc đến chốn “viên tịch”, nơi không còn biến hóa, không còn sự khổ đau cũng như sự sung sướng.
Tuy vậy, Phật giáo vẫn đề cập đến các vấn đề của trần thế. Xem sinh, lão, bệnh, tử là hiện tượng của chúng sinh nơi trần thế, Thái độ xem sinh, lão, bệnh, tử, xem sướng khổ là hiện tượng tự nhiên và chủ trương sống thuận theo tự nhiên đó của các nhà sư trên có thể xem như là một biểu hiện của nhập thế.
Tìm hiểu khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông, phải bắt đầu từ việc tìm hiểu tư tưởng của ông, để thấy rằng tư tưởng đó gần gũi với đời, với cõi trần tục. Song, đây không phải là một điều dễ dàng, vì hầu hết những tác phẩm mà Trần Nhân Tông viết được sử sách ghi lại đã thất tán chỉ còn lại một số bài thơ, văn và ngữ lục được chép rải rác… Do đó, một vấn đề có tính phương pháp luận cần phải chú ý khi nghiên cứu tư tưởng Trần Nhân Tông (cũng là phương pháp luận để nghiên cứu tư tưởng Việt Nam) đó là không chỉ căn cứ váo các tác phẩm mà còn quan tâm đến hành động của ông cả trước và sau khi ông xuất gia.
tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông đã thể hiện khuynh hướng nhập thế tích cực với mục đích cứu nhân độ thế, giải thoát chúng sinh bằng hành động thực tế là bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, tránh cho nhân dân khỏi cảnh cửa nát, nhà tan, lầm than, đau khổ. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm chính là kết quả của những nỗ lực đưa Phật giáo sát cánh cùng dân tộc, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội.
Tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông được hình thành từ sự phản ánh hoàn cảnh xã hội Đại Việt lúc bấy giờ và sự kế thừa dòng chảy Thiền, đặc biệt là tư tưởng của các bậc tiền nhân như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ. Trên cơ sở đó, Trần Nhân Tông đã diễn tả quan niệm “tức Tâm tức Phật” với một sắc thái mới: “Bụt ở trong nhà/ Chẳng phải tìm xa/ Nhân khuấy bổn nên ta tìm Phật/ Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”.
Chúng sinh thường lầm tưởng rằng muốn giải thoát phải xa lánh cuộc sống trần tục đầy bụi bặm để tìm đến chốn thiêng liêng tu hành, cõi Phật được hình dung như một nơi nào đó xa xăm, trừu tượng, khó đạt đến. Song, Trần Nhân Tông cho rằng “Bụt ở trong nhà”, tồn tại trong chính bản thân con người, trong chính thế giới hiện tượng này chứ không phải ở tầng trời mông lung nào đó, “nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối”. Bởi vậy, sẽ là hoài vọng nếu cứ mải mê tìm Phật ở những chốn xa xôi. Chỉ tại “khuấy bổn” nên mới đi tìm Phật, đâu hay rằng “Bụt chính là ta”, thành Phật là thành ngay trong tâm, chứ không phải thành ở trên núi cao, rừng sâu. Do vậy chỉ cần quay đầu nhìn lại chính mình thì sẽ đến được bến bờ của sự giác ngộ.
Bên cạnh những khái niệm “Chân như”, “Bồ đề giác tính”,.. Trần Nhân Tông đã đưa ra khái niệm “lòng”, “tính sáng” để nói đến tâm Phật của con người, ông khẳng định: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”
Con đường giải thoát mà Trần Nhân Tông là làm cho lòng trong sạch, giữ gìn tính sáng chứ không cần “ngờ hỏi Tây phương” hay “tìm về Cực lạc”, là: “Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo/ Sửa mình học, cho phải chính tông/ Chính Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ”
Trần Nhân Tông chủ trương tìm Phật ngay trong cuộc sống hiện tại, sống giữa đời mà vui với đạo (cư trần lạc đạo). Mấu chốt của vấn đề ở đây là “chân lý giải thoát”, mà chân lý ấy tồn tại ở khắp mọi nơi, nhất là trong cuộc đời trần tục. Cái tính sáng mà con người hằng mong mỏi nằm chính trong con người, trong thế giới trần tục cho nên “con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục… tốt nhất nên bằng con đường trần tục” , khi đó giá trị của sự giải thoát còn tăng lên gấp nhiều lần. Với Trần Nhân Tông, đạo và đời không có gì phân biệt dù ở “thành thị” gánh vác việc đời mà tấm lòng thanh tịnh thì cũng chẳng khác gì đang phiêu diêu tự tại chốn “sơn lâm”: “Mình ngồi thành thị/ Nết dụng sơn lâm”
Vậy nên: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc/ Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công” [16;5].
Tinh thần “vui đạo tùy duyên” mà Trần Nhân Tông đưa ra đã khẳng định tính chất đại chúng của Phật giáo, tất cả mọi chúng sinh đều có thể theo đuổi con đường giải thoát ở mọi nơi mọi lúc chứ không phải chỉ ở những nơi tu hành nghiêm trang, chẳng chút bụi trần. “Phật giáo chỉ cho chúng ta một phương pháp tu hành không cần phải cạo đầu vào chùa, không cần lánh lên núi sống cô độc một mình, mà sống ngay giữa đời như người bình thường mà vẫn có thể giác ngộ và giải thoát”
Theo Trần Nhân Tông, tu ở giữa đời thì phải giúp ích cho đời vì làm việc cho đời cũng là làm việc cho đạo. Trong bài thơ “Thân như”, ông viết: “Thân như hô hấp tỵ trung khí/ Thế tự phong hành lĩnh ngọa vân/ Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú/ Bất thị tầm thường không quá xuân” (Thân như hơi thở vào ra mũi/ Thế tựa gió luồn mây núi xa/ Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày sang/ Đừng để tầm thường xuân luống qua.
Thời gian không bao giờ quay trở lại tựa như “đám mây bay theo gió ngoài núi xa”, tiếng chim quyên kêu ra rả như thúc đẩy con người hành động. Bởi thế, bài thơ trên của Trần Nhân Tông nhằm mục đích khuyên nhủ mọi người đừng bỏ phí ngày xuân, để ngày xuân trôi qua “một cách tầm thường”. Ông cho rằng sống mà không làm gì cho đời là điều đáng hổ thẹn: “Sinh vô bồ thế trượng phu tàm/ Mã đầu phong tuyết trùng hồi thú/ Nhãn để giang san thiểu trạm tham” (Sống không giúp ích cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu/ Gió tuyết trước đầu ngựa, người lại trở về/ Non song đầy trong đáy mắt, hãy dừng ngựa lại chốn cũ) [16;6].
Có thể nói những nội dung trình bày ở trên đã thể hiện rõ nét khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông. Khuynh hướng này khuyến khích con người sống “tốt đời đẹp đạo”, cứu nhân độ thế bằng chính những việc làm có ích với đời. Song, ở Trần Nhân Tông, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” không chỉ bộc lộ bằng lời nói, văn thơ mà còn chứng tỏ bằng cả cuộc đời vì dân, vì nước của mình.
Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông (1285, 1287), Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết nhân dân cả nước, cùng chia sẻ ngọt bùi với nhân dân.
Khi đất nước thái bình, không còn bóng quân thù, Trần Nhân Tông đã chủ trương “khoan thư sức dân”, chăm lo phát triển kinh tế, mở rộng diện tích đất để canh tác, xây các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, miễn giảm thuế cho nhân dân… Ông luôn căn dặn quan lại phải biết thương dân, phải trân trọng những đóng góp của nhân dân đối với đất nước.Rõ ràng sự quan tâm và tình nghĩa của Nhân Tông đã hướng đến với những con người có thân phận thấp hèn nhất trong xã hội, ghi nhớ những công lao của họ. Bởi lo cho đất nước nên Trần Nhân Tông không chỉ nghiêm khắc với bản thân và quần thần mà với cả vị vua kế thừa. Ông không ngừng khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kìm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ chân tâm… xứng đáng trở thành đấng minh quân có thể mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Rời kinh thành, xa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, Trần Nhân Tông lên Yên Tử, những tưởng sau khi xuất gia, ông nhìn mùa xuân trôi qua một cách bình thản.Vậy nhưng, từ đỉnh Yên Tử, Trần Nhân Tông luôn canh cánh nỗi lo cho dân, cho nước, ông vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của nhà Trần. Để thống nhất tư tưởng trong nhân dân tạo cơ sở cho sự đoàn kết – yếu tố sống còn của dân tộc, Trần Nhân Tông đứng ra thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (một Thiền phái hoàn toàn mang màu sắc Việt Nam).
Ông cũng thể hiện một tầm nhìn chiến lược khi chọn và đào tạo người lãnh đạo kế tục là ngài Pháp Loa. Nền Phật giáo mà Trần Nhân Tông thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội đạo đức lành mạnh. Theo Tam tổ thực lục, ông đã vân du khắp nơi để rao giảng Phật pháp, dạy dân thực hành mười điều thiện, bao gồm: 1. không sát sinh; 2. không trộm cắp; 3. không tà dâm; 4. không nói dối; 5. không nói lời chia rẽ; 6. không nói lời độc ác; 7. không nói lời bẩn thỉu; 8. không tham lam; 9. không giận dữ; 10. không tà kiến. Việc làm đó của Trần Nhân Tông đã đưa Phật giáo đến hang cùng, ngõ hẻm hầu kêu gọi mọi người hướng đến chân lý, tránh xa mọi điều tội lỗi…Từng là người đứng đầu của chế độ quân chủ nhưng Trần Nhân Tông có con mắt hết sức phóng khoáng. Hành động của ông không những thể hiện tư tưởng “bình đẳng về con người” (không phân biệt kỳ thị đối với người Chiêm – lúc bấy giờ được coi là dân man di), mà còn thể hiện rõ nét tấm lòng vì dân, vì nước. Bởi cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân nước Chiêm đã tạo cơ sở cho quan hệ hữu nghị, hòa bình giữa hai nước, cùng nhau đoàn kết để phòng ngừa mối ngoại xâm từ phương Bắc. Cũng từ đây mà non sông Đại Việt đã có thêm hai vùng đất rộng lớn là Châu Ô và Châu Rí mà không tốn một hòn tên, mũi đạn. Công lao đó của Trần Nhân Tông thật to lớn lắm thay.
Tóm lại, dù ở nơi trần tục trên ngôi cao chín bệ hay ở đỉnh Yên Tử với cuộc sống thanh tao, đạm bạc, nhưng tư tưởng và hành động của Trần Nhân Tông đều thể hiện khuynh hướng nhập thế hết sức tích cực. Cuộc đời của ông là ngọn đèn Thiền sáng nhất soi lối cho chúng sinh tới bến bờ giác ngộ, vì bất kể kẻ tăng hay tục, đời hay đạo chẳng câu nệ hình thức, chỉ cần có tấm lòng hướng thiện, vì dân vì nước thì sẽ tìm ra chân lý giải thoát. Đã 700 năm kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông tạ thế, tìm đến với cõi Phật, thời gian không ngừng trôi, mọi nhân vật, sự kiện sẽ lùi dần về quá khứ, song hình ảnh của Trần Nhân Tông vẫn tỏa sang một cách rực rỡ. Tư tưởng Phật giáo của ông góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong chính mỗi con dân Đại Việt, làm nên lẽ sống cao quý của thời đại – một thời Phật giáo với bao kỳ tích to lớn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.